Quyền riêng tư trong không gian mạng phải được coi như một "quyền cơ bản của con người". Quan điểm này của khách mời danh dự Hội nghị quốc tế về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư lần thứ 40 đang diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ, Giám đốc điều hành (CEO) hãng Apple - ông Tim Cook - một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư trong kỷ nguyên công nghệ.
Việc ông Tim Cook được lựa chọn là diễn giả chính tại hội nghị năm nay là bởi hầu hết doanh thu của hãng Apple đến từ việc bán các thiết bị điện tử, chứ không dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ mục đích thương mại như những "gã khổng lồ" công nghệ Google hay Facebook. Không phải ngẫu nhiên CEO Tim Cook nhấn mạnh tới mối liên quan giữa lợi nhuận và quyền riêng tư, bởi trên thực tế dữ liệu đang trở thành một loại "hàng hóa" có giá trị cao.
Khái niệm "tổ hợp công nghiệp dữ liệu" được nhắc tới khi khi thương mại bùng nổ, mà như ông Tim Cook nói: "mỗi ngày hàng tỷ USD được trao tay, vô số các quyết định được đưa ra dựa trên những điều mà chúng ta thích hoặc không thích, bạn bè và gia đình chúng ta, các mối quan hệ và những đoạn hội thoại". Dữ liệu cá nhân của khách hàng ban đầu chỉ đơn thuần phục vụ việc đăng ký dịch vụ, nhưng sau đó dần bị "vũ khí hóa" và chống lại chính các chủ tài khoản.
Đáng ngại hơn, như ông Tim Cook cảnh báo, khi dữ liệu cá nhân được thu thập để phục vụ các mục đích an ninh hay chính trị, thì những ước mơ hay nỗi sợ hãi, hy vọng hay khát khao cũng theo đó mà trở thành "món hàng hời". Việc "vũ khí hóa" được thực hiện qua các bước thu thập, tổng hợp, trao đổi và mang ra chào bán một cách tinh vi. Những thuật toán hay những nền tảng ra đời với hứa hẹn cải thiện cuộc sống con người nay lại đang bị lạm dụng và ngày càng nhân rộng một cách tệ hại. Bằng cách đó, các tập đoàn công nghệ đang can thiệp quá sâu vào quyền riêng tư của người dùng, nói cách khác, quyền riêng tư đang bị công khai đánh cắp.
Lời nhận định của ông Tim Cook được đưa ra trong bối cảnh nhiều "đại gia" công nghệ của thế giới phải đối mặt với áp lực ngày một gia tăng sau các vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn tại Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng. Kể từ khi Internet ra đời cho đến lúc bùng nổ các mạng xã hội, những cuộc tấn công mạng diễn ra trên diện rộng và thường xuyên hơn, nhắm vào thông tin của người dùng, thông tin mật của tổ chức doanh nghiệp với vô vàn cách thức khác nhau.
Một loạt các cam kết về việc bảo mật thông tin được các tổ chức, doanh nghiệp hay trang mạng xã hội đề ra như mã hóa thông tin, đóng băng dữ liệu, bảo mật 2 lớp… tỏ ra không hiệu quả. Mặt khác, chính họ còn gián tiếp "nối giáo" cho việc xâm nhập quyền riêng tư, trong đó có thể kể đến vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook với công ty Cambridge Analytica của Anh hồi tháng 3 vừa qua và tiếp đó là vụ tin tặc đánh cắp dữ liệu từ 29 triệu tài khoản của mạng xã hội này cách đây 1 tháng. Tình trạng báo động tới mức độ Internet đã được xếp vào danh sách "kẻ thù" của quyền riêng tư.
Trước tình hình cấp bách hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đi đầu trong việc bảo vệ quyền riêng tư cho các công dân của mình trên Internet. Liên minh này đã cương quyết áp dụng Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) từ tháng 5/2018 với nội dung bảo vệ thông tin người dùng trên Internet, đồng thời mã hóa toàn bộ dữ liệu có thể. GDPR được áp dụng cả với các công ty bên ngoài châu Âu, yêu cầu các công ty phần mềm, hoặc phần cứng phải thiết lập quyền riêng tư cho người dùng theo mặc định. Các công ty vi phạm GDPR sẽ bị buộc tội vi phạm dữ liệu bảo mật, đi kèm một khoản tiền phạt lớn, lên đến 2% doanh thu của họ trên toàn cầu.
Ông Tim Cook nhấn mạnh GDPR có thể được xem là một minh chứng rằng "chính sách tốt và ý chí chính trị có thể kết hợp với nhau để bảo vệ quyền lợi của tất cả chúng ta", đồng thời cho rằng các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, cần tiếp bước EU. CEO của Apple đồng thời cũng gợi ý nguyên tắc cơ bản về bảo mật dữ liệu mà hãng này đang áp dụng, đó là trao cho khách hàng 4 đặc quyền sau: quyền tối thiểu hóa dữ liệu cá nhân (khai báo thông tin ít hơn), quyền nhận biết (những dữ liệu nào bị thu thập), quyền truy cập (tra cứu dữ liệu của bản thân) và quyền bảo mật (chỉnh sửa hoặc lược bớt thông tin cá nhân).
Theo CEO của Apple, công nghệ có nhiều tiềm năng để khai thác nhằm "phòng ngừa và chống lại dịch bệnh hay đối phó với các ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, đảm bảo rằng mỗi người đều có thể tiếp cận thông tin và cơ hội kinh tế". Tuy nhiên, ông thật lòng chia sẻ: “Chúng tôi lạc quan về tiềm năng tuyệt vời của công nghệ. Nhưng chúng tôi biết rằng điều ấy sẽ không tự xảy ra. Chúng tôi sẽ không bao giờ đạt được tiềm năng thực sự của công nghệ, nếu như không có niềm tin và sự tin tưởng trọn vẹn của những người sử dụng". Nói rõ ràng hơn, ý thức về quyền riêng tư trong không gian mạng phải bắt nguồn từ chính các tập đoàn công nghệ và tôn trọng tối đa quyền bảo mật của người dùng phải là yêu cầu bắt buộc đối mới mỗi doanh nghiệp trên các nền tảng Internet.