Ngày 25/11, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết về bảo vệ "quyền riêng tư trên mạng" do Đức và Brazil đệ trình, theo đó hối thúc chính phủ các nước cần cần có sự đền bù thỏa đáng đối với những công dân là nạn nhân của chương trình do thám trên diện rộng.
Nghị quyết đã nhận được sự tán thành của 65 nước hậu thuẫn như Pháp, Nga, các nước châu Âu cùng với các nước thuộc Liên minh tình báo “5 mắt” (Five eyes) gồm Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia sau nhiều tuần đàm phán. Nghị quyết nêu rõ chính phủ các nước cần tạo điều kiện để các cá nhân có quyền riêng tư bị xâm phạm do các hoạt động giám sát bất hợp pháp có thể tiếp cận với một phương thức bảo mật hiệu quả. Theo đó, các cá nhân có thể tiếp cận với siêu dữ liệu, một "bể chứa" dữ liệu giúp người dùng ẩn các thông tin cá nhân khi truy cập vào tài khoản thư điện tử (email) của mình. Văn kiện trên cũng hối thúc Hội đồng Nhân quyền sớm bổ nhiệm một phái viên phụ trách vấn đề quyền riêng tư trên mạng nhằm đảm bảo vấn đề này luôn nằm trong chương trình nghị sự quốc tế.
Đại sứ Đức tại LHQ Harald Braun nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ theo dõi trên quy mô lớn sẽ làm phương hại đến các bí mật cá nhân của người dùng Internet. Ông Braun hối thúc các quốc gia nên hạn chế và thận trọng khi tiến hành điều tra thông tin người dân nhằm đảm bảo không vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, đại diện của Canada nhấn mạnh cần có một cuộc thảo luận trên diện rộng về vấn đề này với sự tham gia của các chính phủ, ngành công nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng công nghệ.
Trước đó, nghị quyết trên đã được Ủy ban Nhân quyền LHQ thông qua hồi cuối tháng 11 năm ngoái sau khi sau khi vụ bê bối Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại và theo dõi thư điện tử của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bị phanh phui, gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với hoạt động do thám của hệ thống tình báo Mỹ. Dự kiến, văn kiện trên sẽ được đưa ra biểu quyết trước toàn thể Đại Hội đồng LHQ vào tháng 12 tới.
Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ thường không mang tính bắt buộc song những nghị quyết nhận được sự ủng hộ của đại đa số thành viên có thể sẽ tạo ra sức ảnh hưởng khá quan trọng trên phương diện chính trị.
TTXVN/Tin Tức