Đến lúc phải thực hiện giao thông thông minh

Đó là ý kiến của các chuyên gia công nghệ tại Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT 2015 (VIO) do HCA tổ chức sáng ngày 24/9 tại TP Hồ Chí Minh.


Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Kỹ Thuật khối Doanh nghiệp và Chính phủ Cisco Systems Việt Nam, cho biết trong khi thế giới ngày càng kết nối thì Việt Nam tiếp tục gặp nhiều vấn đề và thách thức liên quan đến tốc độ đô thị hóa một cách nhanh chóng cũng như rào cản về mặt kinh tế, sự cần thiết đảm bảo duy trì về mặt môi trường. Để có thể hấp dẫn và giữ chân được các doanh nghiệp và nhân lực chất lượng cao, Việt Nam nói chung và các thành phố nói riêng cần tạo ra một đô thị đáng sống, năng động và tràn đầy sinh lực, phải cải thiện khả năng làm việc di động, cung cấp các điều kiện tốt về mặt môi trường. Để thực hiện được điều này, trước mắt cần phải quản trị cơ sở hạ tầng đô thị một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện các vấn đề về tăng trưởng như giao thông và ô nhiễm, các dịch vụ công vẫn là bài toán khó của các lãnh đạo thành phố.


Hội thảo toàn cảnh CNTT - TT 2015 tại TP Hồ Chí Minh.


Thực tế cho thấy, cả nước có hơn 3.000 xe buýt, hơn 8.000 taxi đang hoạt động. Đây thực sự là sức ép giao thông đô thị rất lớn trong vấn đề giải quyết tình trạng ách tách giao thông, chưa kể biến đổi khí hậu gây ngập lụt thường xuyên. Trước tình hình trên, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, cho rằng việc thực hiện giải pháp giao thông thông minh là việc làm cấp bách cần phải thực hiện. “Bởi với dân số ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chậm thay đổi, nếu mỗi nơi cứ thực hiện cải tạo giao thông đơn lẻ thì sẽ chỉ thêm tốn kém về chi phí mà không đem lại hiệu quả cao”, ông Hỷ nói.


Đồng tình quan điểm này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, đưa ra ví dụ trường hợp điển hình là trạm thu phí đường bộ tại hầm Thủ Thiêm đã bỏ không trong thời gian qua khi hầm đi vào hoạt động. Nguyên nhân nếu thực hiện thu phí, sẽ dẫn đến ách tách giao thông trong hầm Thủ Thiêm. “Vì thế, ứng dụng CNTT vào hệ thống giao thông sẽ giúp cho thành phố thêm thông minh, đồng thời giúp cuộc sống người dân thêm văn minh và hạnh phúc hơn”, ông Dũng chia sẻ.


Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, dân số tiếp cận Internet ngày càng tăng nhanh nên việc áp dụng giao thông thông minh lúc này thêm thuận lợi. Cụ thể, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ hệ thống cảm biến theo xu hướng Internet của vạn vật (IoT) vì đây là vai trò quyết định trong các hệ thống giao thông thông minh. Cụ thể, các cảm biến sẽ được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết… Các thông tin này sẽ được hệ thống máy tính phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho tài xế về tình hình giao thông trên đường như tai nạn, ùn tắc giao thông, thời tiết… để các tài xế chọn giải pháp giao thông tối ưu nhất, giúp giảm kẹt xe và đảm bảo thời gian đi lại ngắn nhất, an toàn nhất cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.


Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP Hồ Chí Minh chia sẻ các giải pháp giao thông thông minh.


Ngoài ra, ứng dụng của IoT còn giúp điều hành giao thông, quản lý phương tiện, kiểm tra trọng tải xe, thu phí điện tử... Theo đó, các giải pháp này sẽ giúp thành phố quản lý cơ sở hạ tầng tốt hơn, đồng thời giảm thiểu được chi phí đầu tư, vận hành và khai thác. “Như vậy, việc làm trước mắt là xây dựng nền tảng kết nối internet vạn vật để tiến tới xây dựng giao thông thông minh, thành phố thông minh”, ông Nguyễn Hữu Thắng nói.


Theo ông Chu Tiến Dũng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết tâm trong các vấn đề quản lý xe vận chuyển trên các quốc lộ cũng như trên các tuyến giao thông trọng yếu thông qua các yêu cầu giám sát hành trình và rất nhiều thông tin tín hiệu… Bên cạnh đó, các địa phương, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thử nghiệm thông qua các công ty công nghệ thông tin và đang có những kết quả bước đầu. Để chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất, hội thảo toàn CNTT-TT 2015 sẽ là nơi để các doanh nghiệp CNTT-TT trong nước và nước ngoài gặp gỡ và trao đổi với nhau.


Tuy nhiên, ông Lê Thái Hỷ cho rằng dù có giải pháp gì thì vốn cho việc thực hiện ứng dụng CNTT vào giao thông cũng như IoT rất lớn. Đây cũng là bài toán khó nhưng cũng rất cấp bách để giải quyết. “Trước mắt, các cơ quan ban ngành vẫn nên thực hiện theo NĐ 80 của chính phủ về việc thuê CNTT để giảm thiểu chi phí đầu tư. Đây là cách tốt nhất để triển khai giao thông thông minh trong thời điểm này”, ông Hỷ nhấn mạnh.


Tin, ảnh: Hải Yên
Tăng tốc đầu tư cho giao thông
Tăng tốc đầu tư cho giao thông

Theo kế hoạch trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ bỏ ra khoảng 124.200 tỉ đồng đầu tư vào các dự án, công trình giao thông. Mức đầu tư này cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh nguồn ngân sách, thành phố cũng đang nỗ lực huy động các nguồn vốn xã hội hóa, nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN