Trong điều kiện thời tiết mưa gió nhiều, nhất là ở các tỉnh miền Nam vào mùa mưa và miền Bắc với những cơn mưa rào vào mùa hè, việc sử dụng xe đạp điện chắc chắn sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Đây là điều chưa hãng xe đạp điện nào có thể khắc phục triệt để. Do mưa lớn, đường ngập sâu trong khi gầm xe thường thấp dễ dẫn tới việc xe điện bị ngập, bị chập điện, từ đó gây hư hỏng ắc quy, bạn phải tốn tiền sửa chữa, thay thế…
Nhiều học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Cấu tạo và cơ chế vận hành của xe điện chủ yếu là từ các bộ phận điện như: Môtơ điện, Ắc quy điện, bộ IC, bộ điều tốc, tay ga, tay phanh. Thông thường, xe bị nhiễm nước sẽ dẫn đến tình trạng nhẹ là không đi được (mặc dù có điện), nặng hơn là dẫn đến cháy nổ các bộ phận điện của xe và phải thay mới thì mới có thể tiếp tục sử dụng được.
Trong trường hợp nhất thiết phải sử dụng xe đạp điện khi trời đang mưa, bạn nên tắt nguồn điện để di chuyển bằng bàn đạp. Sau khi về nhà, bạn cần tiến hành lau khô, sấy khô xe trước khi tiếp tục sử dụng xe. Ngay cả khi về tới nhà và xe hết điện thì bạn cũng phải làm cho xe khô ráo hẳn mới sạc, tránh trường hợp chập điện nguy hiểm.
Đối với hầu hết các loại xe đạp điện hiện nay, phần đầu xe, mặt đồng hồ thường rất nhạy cảm với nước. Vì vậy, khi dựng xe hay di chuyển dưới trời mưa bạn nên che mưa phần đầu xe lại, tránh để nước mưa bắn vào.
Bạn cũng không nên đi xe qua vùng, bãi nước ngập sâu để tránh nước tràn vào ắc quy, động cơ và các bộ phận điện có thể gây chết điện hoặc rỉ sét các bộ phận. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải đi qua, nên dừng xe lại, tắt điện và dắt bộ qua. Độ sâu mực nước cho phép thông thường không được chạm vào mép của vành động cơ tại bánh sau của xe.
Bên cạnh đó, bạn nên di chuyển với tốc độ hạn chế hơn so với lúc bình thường. Điều này vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa tránh nước bắn vào các bộ phận điện.
Cách tốt nhất bạn nên lau chùi bằng khăn ướt, và để cho xe khô trước khi sử dụng. Nếu rửa xe, bạn chú ý không dùng vòi xịt cao áp dùng để rửa xe máy vào vùng tay ga, ắc quy, mô-tơ, bộ điều tốc. Vì nước phun mạnh sẽ len lỏi vào những nơi tiếp xúc với dây điện làm hỏng linh kiện xe.
Với động cơ, khi rửa có thể dội nước, xịt nước theo chiều từ trên xuống, tuyệt đối ko xịt theo chiều vuông góc.