Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) tổ chức “Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

“Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020” là hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018). 

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, quy mô nền kinh tế được nâng lên. Khi bước vào đổi mới, năm 1989, GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 2,4 tỷ USD, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người là 159 USD thì năm 2020 ước đạt 2.750 USD".

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu từ năm 1988, tính đến 8/2020, đã có 32,539 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cùng thảo luận về hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; Thực trạng triển khai chính sách định hướng và hỗ trợ nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thời gian qua; Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực để chuyển giao và hấp thụ công nghệ mới tại Việt Nam cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm xây dựng triển khai chính sách về nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài”.

Ông Vahram Kazhoyan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia chia sẻ: Armenia và Việt Nam vốn đã có nền tảng tích cực trên quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ chính trị, đồng thời phát triển quan hệ văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Đại sứ quán Armenia sẵn sàng hỗ trợ các học giả, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các đồng nghiệp tại Armenia và các công nghệ tiên tiến, giúp Việt Nam có được kết quả tốt nhất.

Tin, ảnh: Hiền Anh/Báo Tin tức
Trao giải cuộc thi 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020'
Trao giải cuộc thi 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020'

Chiều 5/12, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN