Theo Hội tin học TP Hồ Chí Minh (HCA), doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều băn khoăn trước định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công nghiệp 4.0. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (từ năm 2011) đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, công nghệ nano...
Họp báo công bố Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt nam lần thứ 22. |
Theo ước tính của các tập đoàn lớn trên thế giới, trị giá của thị trường sản phẩm dịch vụ IoT đáng giá hàng nghìn tỷ đô la Mỹ với số lượng thiết bị lên đến hàng chục triệu vào năm 2020, mang lại những tác động đến nền tảng các ngành nghề từ giao thông, y tế, giáo dục, an ninh, môi trường, chống ngập, đến nông nghiệp, nhà ở...
Việt Nam đang đứng trước cơ hội và vận hội với nền tảng là cư dân trẻ, là chủ chốt nguồn lực của xã hội, hướng tiếp cận nhanh, khả năng phát huy và sáng tạo vận dụng sức mạnh tri thức toàn cầu hội nhập là vô cùng lớn. Tuy nhiên, nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam trong nền công nghiệp 4.0 chính là quá trình tự động hóa sẽ triệt tiêu nhiều vị trí công việc truyền thống; cách thức tổ chức, quản lý dùng công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt tạo nên khoảng cách trong tăng trưởng giữa các doanh nghiệp.
Tuy Chính phủ Việt Nam và các ban ngành đã có nhiều chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp CNTT và doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề Việt Nam vẫn thiếu nhiều điểm giao thoa trong việc hiểu và ứng dụng CNTT.
Doanh nghiệp ứng dụng hiện nay nhận biết được tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng loay hoay chưa tìm được mô hình thích hợp với năng lực của từng doanh nghiệp hoặc chưa cân đối nguồn lực trong đầu tư cho công nghệ.
Thấy được mối tương quan đó, hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam – Vietnam ICT Outlook (VIO) 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội - Thách thức” được tổ chức nhằm thu hẹp khoảng cách, hỗ trợ ứng dụng CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn hiện nay cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm hiểu các yếu tố về trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai”.
VIO 2017 có các bài trình bày, chia sẻ kinh nghiệm cùng khu triển lãm giải pháp CNTT trong ngày 20/9; hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đa ngành nghề tìm kiếm thông tin và giải pháp phù hợp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, qua đó tiết kiệm chi phí và nguồn lực. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy thị trường ứng dụng - dịch vụ CNTT; tạo môi trường kết nối doanh nghiệp CNTT - doanh nghiệp ứng dụng, gắn kết cung cầu…
Đặc biệt, trong bối cảnh tiến bộ khoa học, công nghệ cần đồng bộ giữa phát triển và thực tế ứng dụng, VIO năm nay gắn liền với chuỗi hoạt động quy mô lớn gồm: Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” - Smart City 360o và Lễ trao giải Top ICT Việt Nam 2017 vào chiều và tối ngày 19/9 cùng Hội thảo – triển lãm VIO 2017 cả ngày 20/9.