Tám đội mạnh nhất với những chú robot ấn tượng đã bước vào thi đấu các trận tứ kết tối 12/5 gồm: đội Sao Đỏ LEGEND (Đại học Sao Đỏ Hải Dương) gặp SKH5 (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên), SPK-WIND (Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) gặp LH-WAO (Đại học Lạc Hồng), SKH3 (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) gặp LH-OCEAN (Đại học Lạc Hồng) và trận cuối cùng là cuộc đấu nội bộ của Đại học Công nghiệp Hà Nội với 2 đội DCN-ĐT3 với DCN-ESLAB.
Kết thúc cuộc thi, với thành tích 24 giây, đội LH-WAO của Đại học Lạc Hồng đã giành chức vô địch và cũng sẽ là đội tuyển đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi sáng tạo Robot châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra tại Mông Cổ vào tháng 8/2019.
Ban tổ chức cũng trao giải Nhì cho đội SKH3 của Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; trao 2 giải Ba cho đội Sao Đỏ LEGEND của Đại học Sao Đỏ Hải Dương và đội DCN-ĐT3 của Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ban tổ chức cũng trao các giải phụ gồm: Giải công nghệ cho đội SPK-WIND của Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Giải Ý tưởng cho đội DCN-ESLAB của Đại học Công nghiệp Hà Nội; Giải robot tự động xuất sắc nhất cho đội LH- OCEAN của Đại học Lạc Hồng; Giải robot bằng tay xuất sắc nhất cho đội SKH5 của Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Giải Fair Play cho đội Quảng Ninh 01 của Đại học công nghiệp Quảng Ninh.
Theo các nhà chuyên môn, cuộc thi năm nay rất chất lượng bởi các đội thi đã nỗ lực sáng tạo, lao động miệt mài, đem những sản phẩm tốt nhất đi dự thi. Các robot tham gia từ vòng tứ kết đều được cải tiến, nâng cấp để di chuyển nhanh, thực hiện động tác ổn định, chính xác. Các đội thiết kế việc di chuyển của robot đưa tin 2 khá phong phú khi mô phỏng kiểu đi của sâu đo, nhện, ngựa hay xe tăng.
Mặc dù đề thi năm nay khó nhất từ trước tới nay, nhưng qua kết quả vòng bảng, vòng 1/8 nhiều đội có kết quả giành chiến thắng tuyệt đối Ukhai rất nhanh với 28 - 30 giây. Ngoài các đơn vị có truyền thống thì những đơn vị lần đầu tiên góp mặt tại cuộc thi cũng rất nỗ lực thi đấu. Cũng chính từ chất lượng chuyên môn tốt, hầu hết các trận đấu diễn ra gay cấn, hấp dẫn đã thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ.
Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam năm 2019 (Robocon Việt Nam 2019) do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức diễn ra từ ngày 7 đến 12/5 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương. Robocon là cuộc thi do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương khởi xướng và xây dựng từ năm 2002. Đề thi mỗi năm sẽ do quốc gia đăng cai xây dựng và công bố. Năm 2019, Mông Cổ đăng cai tổ chức cuộc thi Robocon quốc tế (ABU Robocon). Vì vậy, đề thi được lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Mông Cổ.
Chủ đề của cuộc thi Robocon Việt Nam năm 2019 là "Chia sẻ kiến thức", dựa trên sự tích về chiếc thẻ bài truyền tin của người chiến binh Mông Cổ và trò chơi dân gian ném Shagai của người dân du mục. Đây cũng là đề thi được giới chuyên môn đánh giá là khó nhất từ trước đến nay và cũng hay nhất, do sự khác biệt trong chế tạo robot đi bằng 4 chân mà không có bánh xe điều hướng.
Mỗi trận đấu sẽ diễn ra giữa hai đội thi, thời gian thi đấu trong vòng 3 phút. Mỗi đội có 2 robot. Một robot điều khiển bằng tay được gọi là robot đưa tin 1 và một robot điều khiển tự động được gọi là robot đưa tin 2. Mỗi đội có 3 shagai. Sân thi đấu sẽ gồm các khu vực: khu vực xuất phát của robot điều khiển bằng tay gọi là Khangai Urtuu, khu rừng, dòng sông, cây cầu, khu vực xuất phát của robot điều khiển tự động gọi là Gobi Urtuu, đụn cát, bụi cỏ, núi Urtuu. Khu vực đích gọi là Ukhai.
Khi trận đấu bắt đầu, robot đưa tin 1 mang 1 tấm thẻ, băng qua rừng, đi qua cầu, vượt qua sông để đến vạch đích thứ nhất. Sau đó, robot đưa tin 1 sẽ chuyền tấm thẻ cho robot đưa tin 2 ở khu vực Gobi Urtuu. Robot đưa tin 2 phải di chuyển bằng 4 chân đi qua khu vực đụn cát và bụi cỏ, sau đó, đến khu vực núi Urtuu, đi qua vạch đích thứ 2 và thứ 3. Khi robot đưa tin 2 dừng ở chân núi Urtuu, chờ robot đưa tin 1 tích đủ điểm bằng trò ném Shagai vào khu vực quy định thì robot đưa tin 2 mới được phép trèo lên đỉnh núi và giơ cao tấm thẻ. Đội đầu tiên giơ được tấm thẻ là đội chiến thắng.