Trong bối cảnh kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát động phong trào đổi mới sáng tạo hướng vào tầng lớp doanh nhân. Một Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo dành riêng cho giới doanh nhân và doanh nghiệp đã được triển khai với quy mô lên tới hơn 2000 tỷ đồng. Đây được coi là một bước đi nhằm khích lệ, động viên các doanh nghiệp, một nhân tố mới trong việc kích thích phục hồi nền kinh tế và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã chia sẻ một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.Hiện nay, có ý kiến cho rằng nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… rất quan tâm đến công nghiệp sáng tạo. Đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo có thể từ 7 đến 15% GDP. Tuy vậy, lĩnh vực này ở nước ta hiện còn rất nhiều khó khăn vì gần như chưa được nghiên cứu và chưa có quy hoạch cụ thể, một vấn đề vẫn còn mới mẻ đối với Việt Nam . Nghị định 80 năm 2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành công nghiệp sáng tạo. Trong gần 8 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các bộ, ngành xây dựng được một hệ thống các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, mặc dù còn ít ỏi, chưa hùng mạnh nhưng đây là khởi đầu của quá trình Việt Nam có được một hệ thống doanh nghiệp sáng tạo. Chính phủ đã dành ngân sách đáng kể từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 592 về việc hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam, tạo ra các doanh nghiệp khoa học từ những kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Quân hy vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một hệ thống khoảng 5000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ như Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ mà Thủ tướng đã phê duyệt và khi đó chúng ta cũng sẽ có thể tạo ra được từ 7 đến 15% GDP từ những doanh nghiệp khoa học và công nghệ này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" về vấn đề sáng tạo đổi mới trong nghiên cứu KH-CN. Ảnh: Chinhphu.vn |
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đầu tư khá nhiều cho việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghệ cao nhưng thực tế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ. Nên chăng, thay vì đầu tư cho các khu công nghệ cao, chúng ta nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ tiềm năng, có sản phẩm sáng tạo thực sự và đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp này. Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: Nhà nước có thể đầu tư cho các doanh nghiệp không nằm trong khu công nghệ cao, nhưng đây phải thực sự là doanh nghiệp công nghệ cao. Mặc dù các doanh nghiệp này có thể đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc tồn tại một cách độc lập, nhưng nếu có sử dụng hoặc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại thị trường Việt Nam thì Nhà nước phải hỗ trợ.
Bộ trưởng nhận định: Việt Nam vẫn phải thành lập các khu công nghệ cao vì kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước mới nổi cho thấy, các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới, công nghệ cao và ở đó chúng ta tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học chứ không chỉ là các doanh nghiệp.
Về việc ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ, có ý kiến cho rằng Nhà nước cần có Chương trình miễn thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp liên tục lỗ nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa lớn. Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: Các doanh nghiệp khoa học công nghệ được ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế được quy định rất rõ ở nghị định số 80 năm 2007 của Chính phủ. Trong Thông tư hướng dẫn Nghị định đã quy định rõ các chế độ ưu đãi về thuế chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế, có nghĩa là nếu doanh nghiệp thua lỗ triền miên thì chưa áp dụng ưu đãi thuế. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì áp dụng ưu đãi thuế cao nhất đối với doanh nghiệp khoa học, đó là 4 năm miễn hoàn toàn, 9 năm giảm 50% và thuế suất chỉ có 10% so với thuế suất thông thường. Đây là sự ưu đãi rất lớn cho các đối tượng này. Nếu Chính phủ miễn thuế thu nhập cá nhân khi doanh nghiệp thua lỗ thì sẽ có thể dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng việc này. Từ đó không khuyến khích được doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân cho thật hợp lý.
Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là nơi ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu của giới khoa học, được ưu đãi không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như: Thuế đất ở giá thấp nhất trong khung giá quy định của Nhà nước, được tiếp cận với các nguồn vốn, các nguồn tài chính; được miễn thuế đối với các hoạt động nghiên cứu triển khai và đào tạo trong doanh nghiệp thông qua việc dành phần lợi nhuận của doanh nghiệp để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này kinh doanh có lãi, họ mới bắt đầu được áp dụng thời hạn miễn thuế theo quy định của Nhà nước, còn trong giai đoạn thua lỗ, chưa có thu nhập chịu thuế thì Nhà nước cũng chưa áp dụng chế độ ưu đãi này.
Thu Phương (Lược ghi)