Bộ trưởng Faeser nêu rõ 3 ưu tiên lớn nhất trong cuộc kiểm tra là xác định rủi ro, ngăn chặn nguy cơ và tránh sự phụ thuộc. Bà Faeser nhấn mạnh: “Chúng tôi phải bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc của mình. Việc kiểm tra này đặc biệt cần thiết đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi”.
Một nguồn tin chính phủ cho biết Đức đã cân nhắc cấm lắp đặt một số thiết bị của hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc trong các mạng viễn thông của Đức nhằm giải quyết các mối lo ngại về an ninh.
Một số quốc gia hiện đã hạn chế dùng thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE do lo ngại các phần mềm gián điệp có thể xâm nhập hệ thống viễn thông để phục vụ mục đích nghe lén hoặc truyền dữ liệu trái phép.
Năm 2021, Đức đã thông qua luật bảo mật công nghệ thông tin, đặt ra những rào cản lớn đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, nhưng không cấm các thiết bị của Huawei và ZTE như nhiều quốc gia khác. Một báo cáo gần đây cho biết các nhà khai thác viễn thông Đức đã tránh sử dụng công nghệ của Huawei cho các mạng lõi. Dù vậy, Đức hiện vẫn phụ thuộc công nghệ của công ty này ở mảng thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) 5G.
Năm 2020, Cơ quan quản lý viễn thông của Thụy Điển PTS cấm các công ty Trung Quốc triển khai mạng 5G ở Thụy Điển. Trong khi đó, Anh muốn các công ty viễn thông của nước này loại bỏ thiết bị và dịch vụ Huawei trong các chức năng mạng cốt lõi, đồng thời ấn định hạn chót loại bỏ tất cả các thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào cuối năm 2027.