Theo hãng thông tấn Xinhua, nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ tiên tiến Thâm Quyến (SIAT) ở Trung Quốc vừa được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đặt ra mục tiêu là chuyển đổi các chất gây ô nhiễm thành các chất bán dẫn “lai tạo sinh học” ngay trong môi trường nước thải.
Họ sử dụng các chất carbon hữu cơ, kim loại nặng và hợp chất sunfat có trong nước thải làm nguyên liệu thô để tạo ra các chất “lai tạo sinh học”. Tiếp đến là bước chuyển đổi chúng thành các hóa chất có giá trị thông qua biện pháp chiếu ánh sáng Mặt trời.
Để kích thích quá trình trên diễn ra hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu đã chọn loại vi khuẩn biển Vibrio natriegens, có khả năng phát triển nhanh và chịu được nồng độ muối cao.
Nhà khoa học Gao Xiang tại SIAT cho biết nghiên cứu này có thể giúp thúc đẩy quá trình sản xuất sinh học dựa trên năng lượng Mặt trời cũng như chuyển đổi chất thải thành hóa chất có giá trị theo cách bền vững hơn.