Mới sáng sớm nhưng biển người đã nhộn nhịp đi lại trong khu vực nhà ga trung tâm ở thủ đô Xtốckhôm (Thụy Điển) để kịp đón tàu đi làm. Các cửa hiệu, quán ăn và khoảng 250.000 lượt hành khách liên tục hoạt động mỗi sáng tại khu vực này.
Bình thường, lượng nhiệt tỏa ra ở đây sẽ hoàn toàn tan biến vào không khí sau giờ cao điểm. Thế nhưng giờ đây các kỹ sư Thụy Điển đã tìm được một biện pháp tận dụng nguồn năng lượng này để sưởi ấm cho tòa nhà văn phòng gần đó.
Thân nhiệt của các hành khách tại nhà ga trung tâm Xtốckhôm trở thành nguồn năng lượng vô cùng quý giá tại Thụy Điển. Ảnh: Internet |
Giám đốc phát triển dự án này, ông Karl Sundholm, nói rằng nguồn năng lượng này rất rẻ và liên tục được bổ sung. Người dân Thụy Điển không biết hàng ngày mình đã trở thành nguồn năng lượng xanh mới.
Không chỉ tận dụng được nguồn thân nhiệt để sưởi ấm cho 1 tòa nhà, các nhà khoa học tại thành phố Xtốckhôm cũng đã thành công trong việc truyền dẫn lượng nhiệt đó từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Ý tưởng này thoạt nghe thì có vẻ bất khả thi nhưng công nghệ lại hoàn toàn không có gì phức tạp. Lượng nhiệt do quá trình vận động của hàng trăm nghìn hành khách tạo ra sẽ được hệ thống thông gió của nhà ga thu lại.
Sau đó, nhiệt được dùng để đun nóng nước trong các thùng chứa đặt ngầm dưới lòng đất. Cuối cùng, nước nóng được bơm qua ống dẫn vào hệ thống sưởi ấm của tòa nhà văn phòng Kungbrohuset cao 13 tầng, cách nhà ga hơn 90m.
Ưu điểm của hệ thống này là nó không chỉ thân thiện với môi trường mà còn hết sức tiết kiệm chi phí. Về lâu dài, chi phí dành cho năng lượng có thể giảm tới 20% mỗi năm. Tổng giá thành xây dựng hoàn chỉnh hệ thống sưởi ấm này chỉ khoảng 30.000 USD và có thể nhanh chóng thu lại vốn.
Karl Sundholm và đồng nghiệp Klas Johansson đã nảy ra sáng kiến này trong lúc sử dụng khăn ăn khi đi uống cà phê cùng nhau. Johansson nói: "Trước đây lượng nhiệt dư thừa cứ thế tan biến trong không khí
Chúng tôi nghĩ có thể dùng nó làm cái gì đó". Cả hai người rất lạc quan về tiềm năng của công nghệ này: Một khi tìm ra phương pháp khai thác lượng nhiệt đó, cộng đồng sẽ được lợi lớn nhờ chi phí sưởi ấm hộ gia đình và lượng khí thải cácbon giảm đi đáng kể.
Mục tiêu được đặt ra là mỗi sáng, hệ thống sẽ truyền dẫn lượng thân nhiệt được sản sinh từ các khu dân cư vào ban đêm tới các tòa nhà văn phòng và chiều ngược lại sẽ diễn ra vào buổi chiều.
Tuy nhiên, một điểm hạn chế của hệ thống này là các tòa nhà không được cách nhau quá xa do khó khăn trong quá trình truyền dẫn. Khoảng cách lý tưởng giữa nguồn nhiệt và các công trình (gồm khu dân cư và khu văn phòng) là không quá 180 m.
Đồng thời, hệ thống này chỉ phát huy tốt hiệu quả ở các nước có chi phí nhiên liệu quá cao như Thụy Điển và phải tận dụng được những khu vực tập trung đông người.
Quang Minh (Theo The Times)