Tính năng “bối cảnh” là động thái mới nhất của Facebook là nhằm ngăn chặn sự gia tăng, phát tán các thông tin giả. Ảnh: Reuters |
Ngày 5/9, chia sẻ trên trang Facebook, các giám đốc sản phẩm Andrew Anker, Sara Su và Jeff Smith đã cho biết tập đoàn công nghệ này “đang tiến hành thử nghiệm một nút tính năng mới cho phép người dùng có thể dàng tiếp cận các dữ liệu bổ sung về bối cảnh, hoàn cảnh của một thông tin mà không phải rời bỏ trang Facebook cá nhân”.
Sau khi click vào nút tính năng “bối cảnh” nói trên, người sử dụng sẽ được tiếp cận các dữ liệu bổ sung về bối cảnh, hoàn cảnh của thông tin tiếp nhận. Các dữ liệu bổ sung sẽ được thu thập trên toàn bộ cơ sở dữ liệu của Facebook và các nguồn khác, như từ Wikipedia chẳng hạn.
Trong một số trường hợp, nếu thông tin bổ sung về bối cảnh đó không có, Facebook sẽ thông báo cho người dùng biết và đó cũng có thể là “một thông tin hữu ích”. Facebook khẳng định việc giúp người sử dụng tiếp cận các thông tin quan trọng về bối cảnh, hoàn cảnh có thể giúp họ đánh giá mức độ tin cậy, xác thực của các thông tin nhận được.
Việc tuyên bố bổ sung nút tính năng “bối cảnh” là động thái mới nhất của Facebook là nhằm ngăn chặn sự gia tăng, phát tán các thông tin giả, bịa đặt, các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 4/10, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã khẳng định sẽ yêu cầu lãnh đạo của Facebook, Google và Twitter phải tham gia cuộc điều trần vào ngày 1/11 tới về những nỗ lực của phía Nga trên các mạng xã hội nhằm can thiệp, chi phối đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo StraitsTimes (Singapore), Facebook khẳng định sẽ cử đại diện tham dự cuộc điều trần nhưng không tiết lộ danh tính người này.
Ngày 2/10, Facebook cho biết sẽ tuyển thêm ít nhất 1.000 nhân viên để ngăn chặn các thông tin bịa đặt được sử dụng nhằm thao túng các cuộc bầu cử. Facebook cũng đã chuyển tới Quốc hội Mỹ khoảng 3.000 các thông tin quảng cáo có liên quan đến phía Nga nghi ngờ được sử dụng để gây chia rẽ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.