Buộc Facebook 'nhả' thông tin, cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ có 'biến động'?

Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller, người được chỉ định làm công tố viên đặc biệt trong cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, mới đây đã nắm trong tay lệnh truy cập dữ liệu Facebook được cho có thể thay đổi bản chất của công việc ông đang thực hiện.

Ngày 16/9, tờ Wall Street Journal và kênh CNN đều đưa thông tin rằng lệnh truy cập của ông Mueller có liên quan tới những tài khoản được cho là giả mạo từ Nga mà Facebook đã đóng trong đầu tháng này cũng như quảng cáo mà các tài khoản này mua trong thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ năm 2016.

Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller.

Theo Wall Street Journal, Facebook sẽ cung cấp bản sao về các quảng cáo và giải thích ai đã mua chúng. Các dữ liệu này sẽ chi tiết hơn những gì mà Facebook đưa ra với Quốc hội Mỹ trong tuần trước.

Tờ Business Insider (Mỹ) dẫn đánh giá của các chuyên gia pháp lý cho rằng điều này bộc lộ đường đi của cuộc điều tra do ông Mueller dẫn dắt.

Bà Asha Rangappa, một cựu nhân viên phản gián tại FBI và hiện làm việc tại Trường Luật Yale giải thích rằng để có được lệnh khám xét, một công tố viên cần chứng minh với thẩm phán rằng có lý do để tin cáo buộc có phần đúng. Sau đó, công tố viên phải giải thích thông tin mà ông ta cần tiếp cận có thể cung cấp bằng chứng cho tội danh mà ông ta điều tra.

Bà Rangappa nhấn mạnh cựu Gám đốc FBI Mueller có lẽ không cần một lệnh khám xét nhắm đến Facebook mà trên thực tế chỉ quan tâm đến một số tài khoản nhất định trên mạng xã hội này.

Bà Rangappa nói: “Điểm mấu chốt là ông Mueller rõ ràng đã có đủ thông tin về những tài khoản này cũng như mối liên kết của chúng tới cáo buộc khiến Facebook phải chấp nhận nhả thông tin”. Do vậy bà Rangappa đánh giá ông Mueller nhiều khả năng đã có đủ bằng chứng để khởi tố những thực thể nước ngoài nhất định.

Cựu công tố viên liên bang Renato Mariotti thì phân tích rằng tiết lộ mới về lệnh truy cập thông tin Facebook có thể là tin tức lớn nhất trong vụ việc kể từ cuộc khám xét nhà của cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump là Paul Manafort. FBI vào tháng 7 đã khám xét nhà của ông Manafort và hiện có thông tin rằng cơ quan này đang xem xét lịch sử tài chính cũng như những hợp đồng kinh doanh ở nước ngoài của ông này.


Về phía Facebook, công ty này cho biết 25% số quảng cáo người Nga mua trong thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ liên quan tới địa lý. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng rất khó để tin những nhân vật đó có loại kiến thức cần thiết về chính trị Mỹ để nhắm vào nhân khẩu và khu vực bầu cử nhất định.

Trong thời gian qua, các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 tại nước này qua hành động tấn công mạng đảng Dân chủ để xoay chuyển tình thế có lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Điện Kremlin đã hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Không có dấu hiệu can thiệp cuộc điều tra Nga tấn công bầu cử Mỹ
Không có dấu hiệu can thiệp cuộc điều tra Nga tấn công bầu cử Mỹ

Ngày 7/9, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết ông chưa phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào vào cuộc điều tra đang diễn ra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN