Các nhà lãnh đạo G7 sẽ đưa vấn đề tiền kỹ thuật số ra thảo luận tại cuộc họp ở Mỹ, dự kiến vào cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín năm nay nhằm chia sẻ những vấn đề tiềm ẩn và kiến thức của họ liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành.
Động thái của G7 được đưa ra khi Trung Quốc được cho là đi tiên phong trong việc phát hành loại tiền kỹ thuật số sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) vào tháng Một cho hay họ đang có tiển triển “thuận lợi” cho việc phát triển một loại tiền kỹ thuật số nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.
Đồng tiền kỹ thuật số do PBoC phát hành có thể dẫn đến việc sử dụng rộng rãi hơn đồng nhân dân tệ trên toàn cầu, một động thái được coi là thách thức đối với sự thống trị của đồng USD trong giao dịch toàn cầu.
Một nguồn tin thân cận cho hay Nhật Bản đề xuất ý tưởng thảo luận về vấn đề tiền kỹ thuật số tại hội nghị thượng đỉnh G7, và Mỹ - nước chủ tịch luân phiên của G7 năm nay, cũng ủng hộ việc này.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với đồng tiền kỹ thuật số bởi nó có thể được sử dụng cho hoạt động rửa tiền, trong khi một số chuyên gia lo ngại việc các nhà phát hành tiền kỹ thuật số sẽ thu được một lượng thông tin “khổng lồ” về các cá nhân, bao gồm cả lịch sử mua bán tiền ảo.
Năm ngoái, các quốc gia G7, gồm có Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi đảm bảo “các tiêu chuẩn cao nhất về quy định tài chính” đối với đề xuất đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook Inc., nhằm ngăn chặn khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo đã thành lập một bộ phận mới để đẩy nhanh nghiên cứu về khả năng phát hành một loại tiền kỹ thuật số. Nhóm Tiền kỹ thuật số thuộc BoJ, với tiền thân từ nhóm nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số được thành lập hồi tháng 2/2020, sẽ phụ trách nghiên cứu tiền kỹ thuật số chung với các ngân hàng trung ương lớn khác, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE).