Theo công bố của các nhà khoa học trên tờ Nature Communications (Mỹ) ngày 17/4, kim cương bên trong thiên thạch phát nổ khi rơi xuống sa mạc Nubian ở Sudan năm 2008 được hình thành tại một hành tinh đã mất. Tờ Guardian (Anh) cho biết hành tinh này từng thuộc hệ Mặt Trời ở thời kỳ sơ khai.
Mảnh vỡ thiên thạch có chứa kim cương tại sa mạc Nubian ở Sudan. Ảnh: NASA |
Bà Farhang Nabiei tại Viện nghiên cứu École Polytechnique Fédérale de Lausanne (Thụy Sĩ) đã nghiên cứu kim cương trong thiên thạch rơi xuống sa mạc Nubian.
Qua kính hiển vi điện tử, bà Nabiei nhận ra thiên thạch này có chứa sắt và sulfur. Đây là lần đầu tiên bà Nabiei phát hiện những thành phần này bên trong kim cương thuộc thiên thạch.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những khoáng chất này chỉ có thể hình thành dưới áp lực lớn nếu chúng có nguồn gốc từ hành tinh kích cỡ lớn như những tiền hành tinh từng tồn tại trong hệ Mặt Trời của chúng ta ở thời kỳ sơ khai.
Ông James Wittke tại Đại học Northern Arizona (Mỹ) đánh giá rằng kết luận trên của các nhà khoa học là hợp lý. Ông Wittke nói: "Chúng tôi cho rằng có thể từng tồn tại nhiều "hành tinh tổ tiên" bên trong hệ Mặt Trời ở thời kỳ sơ khai và đến nay chúng không còn tồn tại".