Giải mã thông điệp từ thiên nhiên – Bài 2: Tăng 'hàm lượng thời tiết' trong sản xuất nông nghiệp

Thông tin khí tượng-thủy văn, sự biến đổi khí hậu và cuộc sống của người nông dân có sự tác động lẫn nhau.

Chú thích ảnh
Anh Đặng Trung Kết ở Trạm Thủy văn Gành Hào (Bạc Liêu).  Ảnh: Hoàng Hiếu-Minh Huệ 

Ngành nông nghiệp và người nông dân ở Việt Nam vốn dễ bị tổn thương do phụ thuộc nhiều vào khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và sự biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ rủi ro đó. Tuy nhiên, nếu công tác cảnh báo, dự báo dài hạn về khí tượng-thủy văn được thực hiện một cách có hiệu quả thì sự rủi ro sẽ giảm xuống đáng kể.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc Trung tâm Điều hành khí hậu APEC (Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương), khẳng định: Việc sử dụng dữ liệu thời tiết để phục vụ canh tác là một trong những giải pháp thích hợp nhất trong tình hình và nhu cầu hiện tại của nền nông nghiệp châu Á-Thái Bình Dương vốn chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Từ số liệu quan trắc…

Tại Trạm Thủy văn Gành Hào (thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu) mỗi ngày quan trắc viên Đặng Trung Kết hai lần lấy chỉ số đo mực nước vào lúc 7 giờ, 19 giờ và một lần đo nhiệt độ nước.

Tuy mới chuyển sang ngành khí tương-thủy văn và làm việc tại Trạm Gành Hào hơn một năm, nhưng anh cũng nhận thấy mực nước của con sông Gành Hào có sự biến đổi, theo hướng nhích dần lên. Ngày 16/11 vừa qua anh đã chứng kiến đỉnh lũ lịch sử đo được ở trạm là 2,54 m.

Gành Hào là con sông bắt nguồn từ thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và đổ ra Biển Đông tại cửa Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Ban đầu con sông chỉ sâu chừng 4 m - 5 m, rộng 100 m. Càng đi về phía biển sông càng rộng và sâu, đến cửa Gành Hào sông rộng chừng 300 m và sâu khoảng 19 m. Toàn bộ chiều dài của sông là 55 km.

Cách Trạm Thủy văn Gành Hào hơn 50 km là Trạm Thủy văn Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) nằm bên bờ sông Hậu, gần cửa biển. Tại đây, quan trắc viên Trương Hoài Phương đã có 30 năm làm công việc thu thập số liệu quan trắc mặt nước và đo lượng mưa.

Sông Hậu tách ra khỏi dòng Mê Công ở Phnôm Pênh (Campuchia), chảy vào lãnh thổ Việt Nam ở tỉnh An Giang. Trên lãnh thổ Việt Nam sông Hậu chảy qua bảy tỉnh, thành phố. Đến huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng, sông Hậu lại tách tiếp ra hai nhánh rồi đổ ra Biển Đông qua cửa Trần Đề và cửa Định An. Đoạn rộng nhất của con sông này nằm giữa huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) và huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) -  gần 4 km.

Ông Phương cho biết: “Mực nước sông Hậu tại trạm Đại Ngãi có xu hướng tăng dần. Năm 2019, đỉnh lũ đạt mức lịch sử là 2,15 m và vào tháng 11 năm nay mực nước cũng ở mức xấp xỉ là 2,14 m. Nước biển năm nay cũng xâm nhập rất sâu vào đất liền, tới 40 km”.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mực nước trên sông Hậu tại Trạm Thủy văn Đại Ngãi ở mức 1,9 m là tương đương với cấp báo động I, lên 2 m - tương đương cấp báo động II, từ 2,1 m là ở cấp báo động III.

Thông thường, từ tháng 1 đến tháng 6 đoạn sông Hậu chảy qua Trạm Đại Ngãi chứa nước mặn, từ tháng 7 đến tháng 12 chứa nước ngọt. Tháng 4/2016 độ mặn đo được ở Đại Ngãi là trên 10 phần nghìn, không một loại cây trồng thông thường nào chịu được độ mặn này. Những năm gần đây, không chỉ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mang tính chất gay gắt hơn mà quy luật mưa, nắng cũng có nhiều thay đổi thất thường.

… Đến nồi cơm của nông dân

Chú thích ảnh
Ông Trương Hoài Phương, quan trắc viên ở Trạm Thủy văn Đại Ngãi (Sóc Trăng).  Ảnh: Hoàng Hiếu-Minh Huệ 

Những số liệu mà anh Kết, ông Phương thu thập được có ảnh hưởng lớn tới “nồi cơm” của người nông dân ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bà Phạm Thị Gọn (ấp Thanh Đạm B, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) là một trong những nông dân điển hình trồng rau ở nơi mà nguồn nước lúc ngọt, lúc mặn tùy vào từng thời điểm trong năm. Gia đình bà sử dụng khoảnh đất rộng 500 m2 trước sân nhà và quanh vuông tôm để trồng rau cải, rau muống, mỗi tháng thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu tình trạng mùa khô kéo dài thì việc trồng rau sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, sự ngập úng trong mùa mưa cũng là nỗi trăn trở của bà Gọn bởi các loại rau, trừ rau muống, không thể sống được nếu bị ngâm nước quá một ngày.

Cũng chung mối lo ngập về mùa mưa, nắng hạn về mùa khô là gần 100 hộ trồng màu trên diện tích hơn ha, chủ yếu là trồng rau cần nước, ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Đây là vùng ngọt hóa màu mỡ, khác với các huyện được quy hoạch là vùng mặn – lợ để nuôi tôm là chính. Những hộ nông dân ở đây rất cần những thông tin chính xác và kịp thời về thời tiết để tránh rủi ro trong sản xuất.

Còn những người nông dân tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) lại rất nhạy cảm với sự xâm nhập mặn. Những thông tin về độ mặn trên các con kênh, rạch quyết định niềm vui hay nỗi buồn của họ. Bởi lẽ cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả dù khô khát đến đâu cũng không thể nào tiếp nhận được nguồn nước lợ bao bọc xung quanh.

Theo các nhà khoa học, ở độ mặn trên 4 phần nghìn thì nguồn nước không phù hợp để tưới cho bất cứ loại cây trồng nào. Cụ thể, nếu lượng muối ở mức 0,5 đến 1 gam trong một lít nước thì từ lúa cho đến cây ăn quả, rau màu chưa bị thiệt hại gì hết. Khi lượng muối ở mức 1 gam đến 2,5 gam trong một lít nước thì lúa bị thiệt hại 17%, cây ăn quả bị thiệt hại 19%, rau màu bị thiệt hại 29%. Nếu lượng muối tăng lên 2,5 đến 4 gam trong 1 lít nước thì sự thiệt hại của lúa là 54%, cây ăn quả - 55%, rau màu – 71%. Còn nếu lượng muối đạt ngưỡng 4 – 10 gam/lít nước thì từ lúa đến cây ăn quả, rau màu đều bị thiệt hại 100%.

Bởi vậy, tại vùng bị xâm nhập mặn cần có hệ thống quan trắc độ mặn của nước sông, kênh, rạch hằng ngày và thông báo kịp thời cho người dân; khuyến cáo nông dân chỉ dùng tưới cây khi nước có độ mặn trên dưới 2 phần nghìn.

Con tôm trong nhiều năm qua đã giúp người nông dân ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, thoát nghèo. Tuy nhiên, ông Kim Sary (dân tộc Khmer), một người được coi là giàu kiến thức về nuôi trồng thủy sản tại địa bàn, lại có cái nhìn khá bi quan về tương lai của con tôm ở Vĩnh Hải. Ông cho biết: Mấy năm gần đây, các vụ tôm không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước, thậm chí một số hộ thua lỗ. Mưa trái mùa, nhiệt độ lên xuống thất thường, nguồn nước từ vuông tôm xổ ra không thoát ra ngoài, quanh quẩn, bị ô nhiễm khiến cho tôm bị bệnh hàng loạt. Đã bắt đầu xuất hiện tình trạng “quy hoạch ngược”, lấp vuông tôm để trồng hành tím.

Tại vùng trũng của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, người dân trồng lúa vào mùa mưa. Để tránh các đợt ngập thường xảy ra vào cuối mùa mưa, bà con tranh thủ trồng và gặt lúa vào đầu mùa mưa. Thông thường, lũ lớn hay xảy ra vào tháng 9 và tháng 10.

Vùng cây ăn quả thường có nền đất cao hơn ruộng lúa nên ít chịu tác động của lũ lụt hơn. Tuy nhiên, nếu nước dâng thêm khoảng 25 cm thì đa số các vườn cây ăn quả trong khu vực thấp trũng cũng bị ngập. Cây sẽ bị thối rễ nếu “ngâm chân” trong 3 tuần. Mực nước lũ này cũng đủ để tôm trong nhiều vuông, ao thoát ra ngoài, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc Trung tâm Điều hành khí hậu APEC, cho rằng tăng “hàm lượng thời tiết” trong ngành nông nghiệp là điều hết sức cần thiết. Theo đó, dự báo khí tượng chính xác không chỉ giúp nông dân phòng bị, ứng phó với thiên tai, mà còn có thể thiết lập kế hoạch sản xuất hiệu quả, khai thác tiềm năng khí hậu, qua đó điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững hơn. Ví dụ như công tác dự báo nền nhiệt sẽ giúp nông dân chủ động lập phương án canh tác hợp lý; còn dự báo lượng mưa, khả năng mưa, độ ẩm và độ bay hơi giúp nông dân chủ động trong việc tưới nước, bón phân, làm cỏ; dự báo hướng gió và tốc độ gió giúp nông dân chủ động trong việc phun phân, tưới béo…

Tại Việt Nam cũng đã có những minh chứng rất rõ ràng về việc công tác dự báo thời tiết dài hạn đã giúp cho ngành nông nghiệp tránh được những thiệt hại nặng nề do thiên tai.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn,  khẳng định: “Mùa khô 2019- 2020, tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra một cách cực đoan. Song do ngành khí tượng-thủy văn đã đưa ra lời cảnh báo trước 11 tháng, còn Thủ tướng Chính phủ thì quyết liệt chỉ đạo các địa phương phải cơ cấu lại mùa vụ, cơ cấu lại giống cây trồng. Bởi vậy, ngành nông nghiệp chỉ bị thiệt hại khoảng 9,8%, giảm được 90% sự mất mát. Đây là đánh giá của Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong nhiều năm qua Trạm Khí tượng Nông nghiệp Bạc Liêu đã cung cấp những thông tin quý giá và kịp thời để lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng trên địa bàn chỉ đạo việc vận hành các công trình thủy lợi, chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân sắp xếp thời vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với diễn biến thời tiết để hạn chế rủi ro do thiên tai.  

Trong văn bản về phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra những quy định liên quan đến các yếu tố thủy văn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện nhiệm vụ: Theo dõi tình hình xâm nhập mặn, chủ động giám sát độ mặn tại các cửa lấy nước và thống nhất phương án vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đáp ứng tối đa nhu cầu dùng nước của địa phương, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong công trình thủy lợi, tăng cường trữ nước vào công trình thủy lợi khi độ mặn ở mức cho phép, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, ưu tiên cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân ở khu vực Trần Đề.

Mặt khác, theo nhận xét của ông Hong-Sang Jung, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn khá xa lạ với các mô hình trạm khí tượng nông nghiệp chuyên biệt nhằm thu thập dữ liệu theo khu vực cụ thể, mà chủ yếu phụ thuộc vào những thông số thời tiết chung do các trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cung cấp. Những thông tin tổng quát này không phản ánh được điều kiện thực tế của từng địa phương, không đáp ứng được nhu cầu của nông dân về dự báo khí tượng để phục vụ cho việc canh tác của họ.

Hiện tại, mạng lưới quan trắc của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam có 29 trạm khí tượng nông nghiệp. Hy vọng trong tương lai, nước ta sẽ có thêm nhiều trạm khí tượng chuyên biệt về nông nghiệp để “hàm lượng thời tiết” trong sản xuất nông nghiêp được tăng về lượng và cải tiến về chất.

Bài 3: Dự báo thời tiết 'theo địa chỉ'

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Giải mã thông điệp từ thiên nhiên – Bài 1: Góp giọt nước thành đại dương
Giải mã thông điệp từ thiên nhiên – Bài 1: Góp giọt nước thành đại dương

Năm 2020, trời và biển đã thể hiện rất rõ sự 'khó ở' của mình trên dải đất hình chữ S.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN