Theo trang Daily Mail (Anh), các thử nghiệm ban đầu trên Sao Thiên Vương cho thấy hành tinh này chủ yếu được tạo thành từ khí heli, hydro và metan, nhưng nghiên cứu mới đã phát hiện ra những điều kỳ lạ vượt ngoài kỳ vọng trước đó.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Israel và Đại học California Santa Cruz tiết lộ rằng mặc dù phát hiện cho thấy Sao Thiên Vương được tạo thành hoàn toàn từ băng, nhưng thực ra hành tinh này có khoảng 10% khí metan.
Điều kỳ lạ về khí metan là nó không ở dạng khí mà bị đóng băng hoặc nhão và nằm trong lõi của Sao Thiên Vương.
Nghiên cứu cho rằng việc phân loại Sao Thiên Vương là hành tinh băng khổng lồ có thể không còn chính xác và lượng khí metan lớn như vậy có thể là yếu tố giúp hình thành nên hành tinh này.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra hàng trăm nghìn mô hình bên trong Sao Thiên Vương và xác định mô hình giống về khối lượng và bán kính của hành tinh này. Mỗi mô hình có hàm lượng metan, heli và hydro khác nhau. Họ khẳng định các mô hình có nhiều nguyên tố khí giống với Sao Thiên Vương nhất.
Các nhà khoa học chưa có nhiều thông tin về Sao Thiên Vương do hành tinh này nằm cách Trái Đất 3 tỷ km. Tuy nhiên, do Hệ Mặt Trời chuyển động liên tục nên khoảng cách này thay đổi hàng ngày.
Trong lịch sử, chỉ có duy nhất tàu vũ trụ Voyager 2 bay qua Sao Thiên Vương vào những năm 1980. Từ đó tới nay, các nhà khoa học luôn tin rằng hành tinh này được tạo thành hoàn toàn từ băng.
Tuy nhiên, phát hiện mới này có thể làm sáng tỏ điều chưa biết về hành tinh xa xôi này, cũng như những hành tinh khổng lồ gần nó, bao gồm cả Sao Hải Vương. Đây cũng là manh mối giúp các nhà khoa học xác minh cách thức hình thành và giải thích rõ hơn về những nguyên tố cấu tạo nên hành tinh này.