Phát biểu tại lễ tôn vinh, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mô hình sử dụng Năng lượng Xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Chương trình đã thu hút 100 đơn vị trên địa bàn thành phố tham gia nộp hồ sơ. Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ về đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0.
Các doanh nghiệp, cơ sở đạt danh hiệu Năng lượng Xanh đã triển khai thực hiện các giải pháp có tính điển hình, mang lại hiệu quả cao, có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, giúp cho các doanh nghiệp cơ sở chủ động trong quá trình đổi mới trang thiết bị, quản lý vận hành và thiết kế dự án.
"Đặc biệt, trong hai năm xảy ra dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô. Cùng với đó, các cuộc xung đột trên thế giới đã khiến chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là giá năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp đều tăng cao. Do vậy, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm là rất cần thiết", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
55 cơ sở được trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng Năng lượng Xanh, trong đó có 13 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 100 giải pháp, tiết kiệm được 7.825 TOE, tương đương tiết kiệm 88,4 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm; sẽ tiết kiệm 12.643 TOE, tương đương với 146 tỷ đồng trong 5 năm tới.
Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình của các đơn vị tham gia năm nay như Mô hình sử dụng dụng pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Phenikaa - Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Công ty CP May Sơn Hà, Tòa nhà CornerStone - Công ty TNHH Daibiru CSB, trụ sở Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội…
Mô hình sử dụng phần mềm BMS giám sát, điều khiển các trang thiết bị như: Hệ thống điện, điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm, quạt, AHU… tại Trụ sở Quận ủy- HĐND - UBND quận Đống Đa, Tòa nhà PVI - Công ty Cổ phần PVI, Tòa nhà CornerStone - Công ty TNHH Daibiru CSB, Công ty TNHH Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Tòa nhà Capital Place, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh…
Lắp biến tần điều khiển cho các động cơ dây chuyền sản xuất, bơm, quạt, máy nén khí tại Nhà máy Phenikaa - Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Công ty TNHH Parker Processing Việt Nam, Công Ty CP Thiết bị điện và Chế tạo biến thế Hà Nội…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai việc tăng cường tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống lưới điện của Thủ đô đáp ứng yêu cầu tốc độ tăng trưởng sản lượng điện 7,1%, tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 3,6%, tiết kiệm điện đạt 2,2%.
Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh, trụ sở làm việc, công sở, chiếu sáng công cộng, gia đình; mở rộng các đối tượng khách hàng tham gia về quản lý nhu cầu, sử dụng điện thông minh; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.