Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT), hiện nay Bộ đã cấp hơn 200 triệu số thuê bao cho các doanh nghiệp di động nhưng số thuê bao thực của các doanh nghiệp chỉ khoảng 112 triệu. Như vậy, hiệu suất sử dụng kho số của các doanh nghiệp di động ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, dưới 50%. Ông Phạm Hồng Hải (ảnh) - Cục truởng Cục Viễn thông (Bộ TT - TT) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, để nâng cao hiệu suất sử dụng kho số viễn thông, để kho số này được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, Bộ TT - TT đã áp dụng những biện pháp nào?
Tôi cho rằng, việc sử dụng hiệu quả kho số thuê bao di động phụ thuộc nhiều yếu tố. Một trong số những yếu tố đó là: Bộ TT - TT đã có văn bản hướng dẫn việc quản lý, phân bổ kho số viễn thông gửi tới các doanh nghiệp viễn thông, trong đó quy định rõ các doanh nghiệp chỉ được phân bổ thêm kho số viễn thông khi đạt được hiệu suất sử dụng nhất định. Ví dụ: Quy mô mạng nhỏ phải đạt ít nhất 65%, mạng lớn đạt trên 70%. Hiệu suất này tính dựa trên số thuê bao phát sinh lưu lượng hàng tháng (số thuê bao thực tế trên mạng có phát sinh cước) trên tổng số thuê bao được phân bổ. Đây là một trong những biện pháp nhằm tăng cường quản lý kho số di động đã được cấp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã, đang và sẽ tiến hành xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và ban hành các chính sách như: Tiếp tục thực hiện việc quản lý khuyến mại trong viễn thông; tiếp tục thực hiện và đề xuất sửa đổi những bất cập trong các văn bản hiện hành về quản lý thuê bao trả trước; đề xuất xây dựng hệ thống các chính sách về giữ nguyên số thuê bao di động khi chuyển mạng (MNP); phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, xây dựng các quy định mới về lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông; phí quyền hoạt động viễn thông; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp viễn thông di động về công tác quản lý, sử dụng kho số di động; nâng cao nhận thức của người sử dụng, của các doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kho số viễn thông...
Có những thời điểm, một số nhà mạng đã thực hiện khuyến mại theo kiểu “làm trước, báo sau”. Điều này khiến cạnh tranh trong thị trường viễn thông trở nên thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tới việc sử dụng kho số. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Sau khi ban hành Thông tư số 11/2010/TT - BTTTT về quản lý khuyến mại (có hiệu lực từ 1/7/2010), thực tế đến nay, rất ít doanh nghiệp xin kho số. Hầu hết họ đều sử dụng tối đa những số thuê bao đã được cấp trước đây. Vì vậy, số lượng sim rác đã ít đi. Theo quy định, doanh nghiệp phải đạt 65% hiệu suất sử dụng thì mới được xin kho số mới. Tất nhiên có thể vừa xin kho số xong, hiệu suất sử dụng của doanh nghiệp đó chưa đạt 50%; tuy nhiên hiệu suất sử dụng phải đạt tối thiểu 65% thì mới được Bộ TT - TT cấp kho số mới.
Cần nâng cao nhận thức của nhà cung cấp cũng như người sử dụng trong việc sử dụng kho số viễn thông. |
Theo Thông tư số 11, doanh nghiệp phải báo cáo Bộ trước 7 ngày mới được thực hiện khuyến mại. Tuy nhiên thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại nhưng không báo cáo hoặc chưa kịp báo cáo Bộ. Việc Bộ TT - TT phát hiện ra những chương trình “chui” này là qua nhiều kênh khác nhau như: Doanh nghiệp khác tố giác về dịch vụ cạnh tranh không lành mạnh; qua báo chí hoặc do những chuyên viên của Bộ.
Trước kia, lực lượng của Vụ Viễn thông nay là Cục Viễn thông còn mỏng. Vì vậy, thời gian tới, chắc chắn sẽ bổ sung thêm nguồn lực để có kế hoạch giám sát tốt hơn. Bộ cũng có thể huy động thêm nguồn lực từ phía Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, Sở TT - TT cùng vào cuộc để kiểm tra việc khuyến mại của các doanh nghiệp... Tôi tin rằng, thời gian tới, hiệu suất sử dụng kho số di động chắc chắn sẽ tốt hơn.
Rất nhiều chủ sở hữu sim đẹp đang “đứng ngồi không yên” nếu Bộ TT - TT đồng ý phương án tăng độ dài số thuê bao nhằm tăng dung lượng kho số thuê bao di động. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Để tăng dung lượng kho số thuê bao di động có hai cách chính: Thứ nhất là tăng độ dài số thuê bao di động hay độ dài mã mạng đang sử dụng và thứ hai là thêm mã mạng di động mới. Ưu điểm cách thứ nhất là không phải sử dụng nhiều mã mạng di động; tuy nhiên có một nhược điểm là phải tiến hành đổi số thuê bao di động, gây bất tiện và tăng chi phí cho xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ viễn thông. Cách thứ hai các số thuê bao di động đang hoạt động không phải đổi số, không gây bất tiện cho người sử dụng, không tăng chi phí cho doanh nghiệp, xã hội; tuy nhiên phải sử dụng nhiều mã mạng di động.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước phát triển tại châu Âu và trong khu vực ASEAN + 3 đều sử dụng mạng đa mã cho việc mở rộng quỹ số mạng di động, đặc biệt là các nước có quy mô dân số giống với Việt Nam như Philíppin, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia... không những sử dụng mạng đa mã mà độ dài mã mạng cũng thay đổi từ 2, 3 đến 4 chữ số.
Bộ TT - TT sẽ nghiên cứu tình hình thực tế, lấy ý kiến của các doanh nghiệp và người dân đối với phương án thay đổi quy hoạch kho số viễn thông này. Nếu phương án kéo dài số thuê bao là hợp lý và khả thi, Bộ sẽ có kế hoạch triển khai và áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp. Trường hợp không nên kéo dài số thuê bao di động, Bộ sẽ tiếp tục phương án cấp thêm mã mạng di động mới cho doanh nghiệp khi có yêu cầu trên cơ sở doanh nghiệp đảm bảo sử dụng hiệu quả kho số đã cấp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Phương (thực hiện)