Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ 80% kinh phí mua bản quyền công nghệ hoặc thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới; cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng. Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề tài/bản quyền.
Điều kiện được hỗ trợ là doanh nghiệp có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ. Doanh nghiệp phối hợp, đặt hàng với các nhà khoa học đã và đang công tác tại các trường, viện nghiên cứu để thực hiện đề tài.
Hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới được hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án; được miễn thuế nhập khẩu thiết bị trong nước chưa sản xuất được.
Đối với doanh nghiệp có dự án nhân giống cây trồng, giống cây dược liệu bằng công nghệ nhân mô, công nghệ gen được hỗ trợ 80% kinh phí đầu tư nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án. Điều kiện hỗ trợ là quy mô từ 3 triệu cây/năm trở lên được. Trường hợp quy mô dự án tăng thì mức hỗ trợ tăng tương ứng nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
Đối với doanh nghiệp có dự án trồng thử nghiệm các cây trồng mới có giá trị cao được hỗ trợ 70% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng đồng ruộng, sản xuất giống, thiết bị bảo quản. Điều kiện hỗ trợ là diện tích thử tối thiểu 5 ha và dự án có ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh việc hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ, trong dự thảo Nghị định cũng nêu rõ nội dụng hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện như dự án có doanh thu tối thiểu 500 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt và 1 tỷ đồng/ha/năm đối với nuôi trồng thủy hải sản; quy mô từ 3 ha trở lên. Tiêu chí dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ cơ sở hạ tầng gồm: giao thông, điện, nước, xử lý môi trường trong hàng rào dự án; mức hỗ trợ 500 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Doanh nghiệp có dự án sản xuất rau, hoa, quả an toàn được hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vật tư trang thiết bị mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà kính, nhà màng.
Ngoài hỗ trợ theo quy định trên, nếu dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng các hạng mục nêu trên (có thể lập dự án riêng).
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông điện, nước và xử lý môi trường. Dự án đầu tư trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ 60% chi phí đầu tư nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án…