Đây là động thái được tiến hành trong bối cảnh loạt vụ tấn công liều chết và khủng bố trong 2 tuần qua ở Indonesia đã cướp đi sinh mạng của hơn 32 người ở tỉnh Đông Java và Riau.
Phát biểu tại tỉnh Yogakarta, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudi Antara cho biết gần 3.000 website tuyên truyền tư tưởng cực đoan đã bị đóng cửa và khoảng 9.500 website khác đang được kiểm tra.
Theo ông, động thái này nhằm khuyến khích người dân nêu cao tinh thần bài trừ cực đoan, khủng bố do nhiều nội dung khủng bố và cực đoan đã xuất hiện trên các trang mạng trong đó có Facebook, Instagram hay kênh chia sẻ video YouTube.
Tháng 4 vừa qua, Facebook thông báo trong quý I năm nay đã dỡ bỏ gần 2 triệu nội dung cực đoan, tuyên truyền cho các tổ chức khủng bố khét tiếng như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và al-Qaeda. Ngoài việc dỡ bỏ các thông tin kể trên, Facebook cũng đã gửi cảnh báo nội dung tới nhiều nội dung chia sẻ với mục đích kích động chia rẽ.
Trong một số trường hợp, Facebook thậm chí đã xóa bỏ toàn bộ các trang, các nhóm hay các hồ sơ cá nhân do vi phạm chính sách của mạng xã hội này. Trong khi đó, trang mạng Twitter cũng tuyên bố kể từ năm 2015 đã ngăn chặn hơn 1 triệu tài khoản có dấu hiệu "quảng bá cho chủ nghĩa khủng bố".
Hiện 2 trang mạng xã hội lớn nhất là Facebook và Twitter đang phải đối mặt với sức ép ngăn chặn tình trạng các phiến quân Hồi giáo và những đối tượng khác lạm dụng những trang mạng này làm diễn đàn để tuyên truyền những tư tưởng cực đoan.