Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta ngày 29/3, phát biểu tại Phiên họp thứ 62 Tiểu ban Pháp lý Liên hợp quốc (LHQ) về sử dụng không gian vì mục đích hòa bình, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia tại Áo, ông Alfiano Tamala tuyên bố tháng 1 vừa qua, Indonesia đã phóng thành công vệ tinh nano (SS-1) đầu tiên do kỹ sư trẻ trong nước chế tạo.
Đại biện Alfiano cho biết các vệ tinh nano của Chính phủ Indonesia như LAPAN-A-1, LAPAN-A-2, LAPAN-A-3 cùng SS-1 có chức năng giám sát Trái Đất, vận chuyển, liên lạc, nghiên cứu và thu thập dữ liệu cũng như xử lý các tình huống khẩn cấp trong thảm họa thiên tai. Các vệ tinh này cũng được sử dụng cho ứng dụng các mạng vô tuyến ở một số quốc gia dọc đường xích đạo.
Là một quốc gia quần đảo nằm trên đường xích đạo, Indonesia có điều kiện địa lý đặc biệt nên cần tiếp tục phát triển và tận dụng công nghệ vệ tinh nhỏ. Công nghệ này rất hữu ích trong việc hỗ trợ kết nối các vùng miền và người dân Indonesia, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận quốc tế đối với hoạt động của các vệ tinh nhỏ, siêu nhỏ do nhu cầu và sự phát triển của các vệ tinh này ngày càng tăng. Theo đó, Indonesia đề xuất thảo luận về việc đảm bảo quyền truy cập và sử dụng quỹ đạo một cách hợp lý và công bằng cũng như điều phối hệ thống để tránh nhiễu và nguy cơ va chạm trong bối cảnh số lượng các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng mạnh.
SS-1 có kích thước 10x10x11,35 cm và nặng khoảng 1-1,3kg. Đây là vệ tinh do các kỹ sư trẻ của trường Đại học Surya, Indonesia, nghiên cứu, phát triển từ năm 2016 và thực hiện phóng thành công với sự hỗ trợ của Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Văn phòng các vấn đề vũ trụ LHQ (UNOOSA) ngày 6/1/2023.