Vụ phóng được thực hiện tại bãi phóng Cape Canaveral ở bang Florida. Tàu Beresheet nặng 585 kg, được phóng lên vào lúc 20h45 tối 21/2 theo giờ địa phương. Tàu được thiết kế đổ bộ lên Mặt Trăng và thả robot tự hành thám hiểm. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
34 phút sau khi phóng lên, Falcon 9 đã đưa tàu Beresheet lên quỹ đạo Trái Đất. Từ đây, tàu sẽ tự vận hành và thực hiện cuộc hành trình dài 6,5 triệu km trong 7 tuần để tới Mặt Trăng.
Dự kiến, tàu Beresheet sẽ đáp xuống Mặt Trăng vào ngày 11/4 tới. Tàu vũ trụ này do tổ chức phi lợi nhuận SpaceIL thiết kế và nhiều doanh nghiệp đóng góp kinh phí chế tạo, trong đó doanh nhân Morris Kahn đóng góp phần đáng kể. Sứ mệnh không gian này có sự hợp tác của IAI và Bộ Khoa học và công nghệ Israel. Kinh phí ban đầu của dự án ước tính khoảng 10 triệu USD, song sau đó tăng lên 100 triệu USD. Theo IAI, đây là tàu vũ trụ có khoản đầu tư thấp nhất từ trước tới nay trong số các sứ mệnh không gian.
Tàu Beresheet mang theo một thiết bị kỹ thuật số chứa các nội dung gồm Kinh thánh, tranh vẽ của trẻ em, các bài hát của Israel, ký ức của những người sống sót trong nạn diệt chủng Holocaust và lá cờ Israel.
Ngoài tàu Beresheet, tên lửa Falcon 9 cũng mang theo một vệ tinh của Indonesia và một vệ tinh của Phòng thí nghiệm Không lực Mỹ.
Nếu sứ mệnh trên thành công, Israel sẽ trở thành quốc gia thứ 4 có tàu đổ bộ lên Mặt Trăng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại nhiều nước có kế hoạch thực hiện chương trình thám hiểm Mặt Trăng, trong đó Ấn Độ kỳ vọng trở thành nước thứ 5 thực hiện sứ mệnh không gian này và dự kiến đưa xe tự hành lên Mặt Trăng vào mùa Xuân này. Nhật Bản cũng có kế hoạch đưa tàu đổ bộ nhỏ có tên SLIM lên Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2021 để nghiên cứu khu vực núi lửa trên vệ tinh tự nhiên này của Trái Đất.