Trang mạng mil.news.sina.com.cn dẫn nguồn tin quân sự Strategy Page (Mỹ) ngày 16/1 cho biết mới đây Trung Quốc đã chế tạo một hệ thống tiếp liệu, trang bị cho máy bay tiêm kích J-15 sử dụng cho tàu sân bay. Được biết trên tàu sân bay Liên Ninh có ít nhất 4 chiếc J-15, 2 trong số đó được trang bị thiết bị tiếp liệu trên không. Điều này có nghĩa là các máy bay có khả năng được tiếp dầu có thể cất cánh với cơ số vũ khí lớn.
Hệ thống trên đặc biệt thích hợp với tàu sân bay sử dụng hệ thống đà cất cánh (STOBAR). Máy bay tiêm kích trên các tàu sân bay như vậy cất cánh với lượng nhiên liệu ít hơn song vẫn đưa lên không trung cơ số vũ khí lớn như máy bay cất cánh từ tàu sân bay sử dụng máy phóng (CATOBAR).
CATOBAR cho phép các máy bay chiến đấu cất cánh ngay lập tức với cơ số vũ khí cũng như nhiên liệu lớn. Tính đến cuối năm 2013, số lượng J-15 của Trung Quốc là gần 20 chiếc. Mới đây trên tàu sân bay Liên Ninh, nhiều máy bay tiêm kích đã cất cánh mang theo bom và tên lửa đối hạm.
Nói về J-15, trong thập niên 1990, Nga đã từ chối bán cho Trung Quốc Su-33, vì lo ngại máy bay này bị Bắc Kinh sao chép. Rốt cuộc năm 2001, Trung Quốc có được một nguyên mẫu Su-33 mua của Ukraine. Có tin nói chiếc chiếc tiêm kích J-15 đầu tiên do Trung Quốc chế tạo cất cánh năm2010. Các chuyên gia hàng không Nga “đã công khai chế giễu” việc Trung Quốc chế tạo J-15 dựa trên chiếc Su-33 mua của Ukraine. Tuy nhiên Trung Quốc đã thành công và thậm chí cho biết J-15 nặng 30 tấn của họ có hiệu quả không chiến tương đương với F/A-18E Super Hornet 23 tấn của Mỹ.
Trong khi đó Nga bỏ khai thác Su-33, chuyển sang mua loại MiG-29K rẻ hơn, vốn cũng có mặt trong phiên chế Hải quân Ấn Độ. Trong thập niên 1980, Su-33 nặng 33 tấn và MiG-29K 21 tấn được thiết kế để trang bị cho 3 tàu sân bay lớp Kuznetsov song chỉ một chiếc tàu như vậy được chế tạo. Chiếc thứ 2 – Varyag được Trung Quốc mua và sau đó chuyển đổi thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Duy Trinh