Khẩu trang phòng virus Corona làm khó công nghệ nhận diện

Công nghệ nhận diện khuôn mặt phổ biến ở Trung Quốc đang “bất lực” do người dùng luôn đeo khẩu trang kín mít để phòng virus Corona.

Theo tờ Qz, người dân bị bắt buộc đeo khẩu trang ở ít nhất hai tỉnh tại Trung Quốc, trong đó có thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc - ổ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV). 

Chú thích ảnh
Công nghệ nhận diện khuôn mặt "bó tay" trước khẩu trang. Ảnh: AP

Để nỗ lực kiềm chế nCoV đã khiến trên 600 người thiệt mạng, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu hàng triệu người dân phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Khi hàng triệu người đeo khẩu trang, có một bất tiện khiến nhiều người khó chịu, thậm chí tức giận. Đó là khẩu trang đã vô hiệu hóa chức năng nhận diện khuôn mặt – công nghệ phổ biến ở Trung Quốc. 

Bất tiện nảy sinh khi mọi người không thể dùng khuôn mặt để mở điện thoại di động, khóa cửa, tài khoản ngân hàng…

Chú thích ảnh
Người dùng không thể mở điện thoại bằng nhận diện khuôn mặt nếu đeo khẩu trang thế này. Ảnh: Reuters

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người dùng than phiền: “Gần đây ngày nào tôi cũng đeo khẩu trang và tôi chỉ muốn quẳng chiếc điện thoại mở khóa bằng khuôn mặt này đi”.

Phần lớn người dùng kêu ca về việc bất tiện trong mở khóa thiết bị di động. Apple cho biết FaceID trên iPhone cần thấy rõ mắt, mũi và miệng người dùng thì mới hoạt động bình thường.

Tương tự, Huawei cho biết vẫn chưa thể phát triển tính năng nhận diện khuôn mặt bị che một phần. Ông Bruce Lee, Phó chủ tịch Huawei nói: “Có quá ít điểm nhận diện nếu chỉ có đôi mắt và đầu nên không thể đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã từ bỏ phát triển tính năng mở khóa cho người đeo khẩu trang hay mặt bị khăn che một phần”.

Chú thích ảnh
Trung Quốc yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, sinh trắc học, trong đó có nhận diện khuôn mặt, là một phần cần thiết trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Quy mô sử dụng sinh trắc học ở Trung Quốc lớn hơn các nước khác. Công nghệ này được dùng để thực hiện mọi việc từ đặt đồ ăn, hẹn lịch khám bác sĩ cho tới làm thủ tục lên máy bay ở trên 200 sân bay khắp Trung Quốc. Nhận diện khuôn mặt còn được dùng trong nhà vệ sinh để ngăn người dùng lấy quá nhiều giấy vệ sinh.

Ngoài các giao dịch hàng ngày, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng được sử dụng để giám sát 1,4 tỷ dân Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông, phòng ngừa tội phạm... 

Tháng 12/2019, Chính phủ Trung Quốc thông qua luật mới yêu cầu ai đăng ký thẻ SIM điện thoại di động mới đều phải quét khuôn mặt để bảo vệ quyền lợi của người dân trên không gian mạng. 

Công nghệ này còn được dùng ở trường học để điểm danh và dự báo hành vi, mức độ tập trung học tập của học sinh, sinh viên.

Mới đây, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc đã tìm cách cấm người biểu tình đeo mặt nạ khi tham gia biểu tình. Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang để tránh bị máy quay ghi hình khuôn mặt và do đó họ có thể liều lĩnh làm bất kỳ việc gì.

Chú thích ảnh
Xếp hàng mua khẩu trang ở Thượng Hải. Ảnh: Getty

Mặc dù có loại công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể “nhìn thấu” lớp khẩu trang bên ngoài nhưng công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện. Các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge và Viện Công nghệ Quốc gia Ấn Độ đã có một phương pháp có thể xác định người đeo khẩu trang với độ chính xác 55%.

Năm 2018, tập đoàn Panasonic đã giới thiệu phần mềm thương mại có thể xác định người đeo khẩu trang y tế nếu máy quay bắt được hình ảnh ở một góc nhất định.

Dù được dùng phổ biến ở Trung Quốc nhưng công nghệ nhận diện nhìn chung vẫn kém tin cậy khi xử lý khuôn mặt của người không phải là người da trắng. 

Nghiên cứu quan trọng gần đây của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ cho thấy có sự phân biệt chủng tộc trong thuật toán của các tập đoàn như Intel, Microsoft, Toshiba, Tencent và DiDi Chuxing. Người Mỹ gốc Phi, người thổ dân châu Mỹ và người châu Á có thể bị nhận diện sai từ 10 tới 100 lần so với người da trắng.

Video hàng người xếp hàng mua khẩu trang ở Trung Quốc (nguồn: Business Insider):

Trong khi đó, người dân khắp châu Á vẫn coi khẩu trang là vật không thể thiếu trong phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp. Mức cầu vượt quá mức cung ở nhiều nơi đã khiến mặt hàng này cạn kiệt, bị đội giá gấp nhiều lần.

Trước các quầy thuốc, người dân châu Á như Singapore, Việt Nam, Trung Quốc xếp hàng dài dằng dặc nhiều tiếng để chờ mua khẩu trang dù giá rất cao.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thiếu khẩu trang, người dân Hong Kong hấp, treo khô để tái sử dụng
Thiếu khẩu trang, người dân Hong Kong hấp, treo khô để tái sử dụng

Không thể đứng xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua khẩu trang trong bối cảnh sản phẩm khan hiếm vì bệnh dịch do virus Corona (nCoV) gây ra, nhiều người lớn tuổi Hong Kong (Trung Quốc) đã hấp khẩu trang cũ để sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN