Bài 1: Khoa học vũ trụ Việt Nam đang đến ngày ‘hái quả’?
Đôi ngũ các kỹ sư chế tạo vệ tinh MicroDragon. Ảnh: TTCC |
Các công trình nối tiếp ra đời
Chỉ trong vòng 5 năm, các công trình vệ tinh “made in Việt Nam” đã liên tục ra đời đánh dấu bước phát triển mới của ngành khoa học vũ trụ Việt Nam, hướng tới làm chủ công nghệ này.
Ngày 19/11/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do Việt Nam chế tạo đã được phóng ra từ trạm Vũ trụ Quốc Tế ISS, trong hơn 3 tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh PicoDragon đã hoạt động tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới. Đây cũng là bước thành công đầu tiên đánh dấu lộ trình phát triển công nghệ vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). PicoDragon có khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh này là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh Pico Dragon từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam; và một số khâu thử nghiệm được thực hiện tại Đại học Tokyo, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản - JAXA , Công ty Hàng không vũ trụ IHI (Nhật Bản).
Tiếp đà thành công của vệ tinh Pico Dragon, từ tháng 9/2013, các nhà khoa học Việt Nam lại bắt tay ngay vào chế tạo loại vệ tinh thế hệ cao hơn có tên Micro Dragon. Công trình này đã hoàn thiện và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2018. Vệ tinh MicroDragon được thực hiện bởi các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Vệ tinh MicroDragon có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng khoảng 50 kg. Nhiệm vụ của vệ tinh MicroDragon là:Quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất; thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen,Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).
Không chỉ tiến bộ vượt bậc về công nghệ vệ tinh, các công trình cơ sở nền tảng cho ngành khoa học vũ trụ cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Nổi bật là 3 công trình đã và đang hoàn thiện vừa qua như: Đài Thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đang hoàn thiện, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 6 tới; cùng với công trình Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện; đặc biệt, sau gần 3 năm xây dựng, cuối tháng 9/2018 vừa qua, Đài thiên văn Nha Trang tại Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa) đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Đài thiên văn Nha Trang bao gồm một kính thiên văn quang học đường kính 0,5 m, một nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi, và một phòng trưng bày vũ trụ diện tích 200 m2. Công trình còn có nhà chiếu hình vũ trụ đường kính 9m được thiết kế với màn hình dạng mái vòm. Những hình ảnh cũng như những thước phim được trình chiếu lên màn hình vòm này bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao tạo hiệu ứng 3D, mang đến trải nghiệm chân thực về không gian-vũ trụ và các vì sao. Nhà chiếu hình là công cụ cung cấp hiểu biết và kiến thức về thiên văn, sử dụng hình ảnh trực quan để giải thích chuyển động của các vật thể trên trời và nhiều hiện tượng thiên văn lý thú.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với một loạt các công trình, dự án được đầu tư thiết kế, xây dựng; chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành một nước đi đầu trong khu vực về công nghệ vũ trụ với nền tảng đang được xây dựng ngày càng vững chắc.
Tiến dần từ thấp đến cao
Đánh giá về những thành tựu vừa qua, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Việc phát triển công nghệ vệ tinh cũng giống như đi học, lớp 1 rồi mới đến lớp 2 và các lớp cao hơn nữa. Chính vì vậy, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1kg (năm 2013) tới NanoDragon nặng 10kg (năm 2016), MicroDragon nặng 50kg (năm 2018) và sắp tới là LotuSat nặng khoảng 500kg (năm 2020). Đây là một quá trình lâu dài, phải làm từng bước mới có thể tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh trong tương lai.
Cũng theo ông Tuấn, với việc hoàn thiện và đi vào hoạt động của các công trình hạ tầng như Đài thiên văn Nha Trang, hay Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội), Bảo tàng Công nghệ Vũ trụ Việt Nam vừa qua cũng như các công trình sắp tới, các nhà khoa học hy vọng đây sẽ là một bước phát triển về hạ tầng và từng bước xây dựng nhân lực cho ngành thiên văn học ở Việt Nam, một ngành chưa được quan tâm phát triển một cách đúng mức ở trong nước.
Bên cạnh đó, các công trình khoa học trên sẽ tham gia gián tiếp vào việc thúc đẩy hiện thực hóa Chương trình nghiên cứu vũ trụ. Thông qua những hình ảnh, khái niệm về khoa học thiên văn sẽ lôi cuốn sự tò mò, khao khát khám phá; đặc biệt sẽ truyền cảm hứng, lôi kéo sự quan tâm của xã hội, nhất là giới trẻ sẽ nâng cao hiểu biết, hướng tới khoa học và công nghệ, đặc biệt là thiên văn học và công nghệ vũ trụ. Đây là tiền đề để phát triển nhân lực khoa học vũ trụ trong tương lai.
Bài 2: Vệ tinh Vinasat: Khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam