Từ cuối tháng 6 vừa qua, nhiều người dùng Nhật Bản bắt đầu nhận được các đoạn video từ các tài khoản giả mạo là bạn bè trên Facebook. Khi người dùng truy cập các đoạn video này sẽ được yêu cầu đăng nhập tài khoản tại trang Facebook giả mạo và bị đánh cắp thông tin.
Mặc dù Facebook chưa xác nhận quy mô của vụ việc trên, tuy nhiên công ty an ninh mạng Sola.com cho biết tính đến hết tháng 7/2020 đã theo dõi hơn 10.000 tài khoản được lưu trữ tại máy chủ đặt ở nước ngoài thông qua trang Facebook giả mạo này. Theo công ty an ninh mạng có trụ sở tại tỉnh Sendai, miền Đông Bắc Nhật Bản, khi các bản sao bị xóa, dữ liệu của 7.630 tài khoản Facebook của người Nhật Bản được tìm thấy tại máy chủ này. Công ty Sola.com cho biết có ít nhất 8 nhóm đối tượng sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha liên quan đến hoạt động đánh cắp thông tin trên.
Nhiều địa chỉ thư điện tử dùng để đăng nhập Facebook bị đánh cắp là những tài khoản sử dụng trên điện thoại thông minh do các nhà mạng di động như NTT Docomo Inc. và SoftBank Corp. phát hành, nhưng các địa chỉ thư điện tử dùng trong kinh doanh của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Đại học Tohoku, cũng như một số cơ quan chính phủ cũng nằm trong danh sách bị đánh cắp thông tin trên. Người đứng đầu Sola.com Hiroto Takahashi cho rằng có khả năng các tài khoản bị đánh cắp có thể được sử dụng để thao túng dư luận trong nhiều vấn đề, bao gồm cả bầu cử.
Facebook cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các biện pháp chống lại hành vi đánh cắp dữ liệu trên.