Các dự án khởi nghiệp muốn thành công thường phải gắn với đổi mới sáng tạo. |
Sau gần 1 năm nghiên cứu, công nghệ nhận dạng giọng nói của Amazon đưa vào giải pháp nhà thông minh đã trở thành dự án khởi nghiệp của công ty Lumi (Công ty của 3 cựu thành viên Robocon Đại học Bách khoa Hà Nội). Với giải pháp nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói ứng dụng công nghệ 4.0, chỉ với một nút chạm qua smartphone có kết nối internet tới thiết bị điều khiển Amazon Alexa, chủ nhân các ngôi nhà chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói, mọi thiết bị sẽ được điều khiển theo ý muốn.
Ông Đỗ Hướng Dương, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam chia sẻ: “Để bắt đầu khởi nghiệp với dự án về nhà thông minh, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt như: Đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản; huy động nguồn vốn từ các cổ đông, sự hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước; quan trọng nhất là tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất… Chúng tôi xác định, khi bước chân vào khởi nghiệp là phải chuẩn bị các nguồn lực thật sẵn sàng, kỹ lưỡng”.
Hay dự án khởi nghiệp Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica cũng là một trong những dự án khởi nghiệp có tầm nhìn của các startup trẻ Việt Nam. Từ một sự án khởi nghiệp non trẻ, sau hơn 7 năm, đã trở thành một doanh nghiệp thành công với khả năng xuất khẩu công nghệ E-learning của Đông Nam Á.
“Từ khi bắt đầu khởi nghiệp chúng tôi nhận ra được một trong những lợi điểm lớn nhất của ứng dụng công nghệ hiện đại là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Vì thế Tổ hợp giáo dục trực tuyến Topica đã tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các sản phẩm giáo dục và truyền thông. Việc bắt kịp các công nghệ mới cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Topica AI Lap cho biết.
Không chỉ Công ty Cổ phần Lumi hay Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica mà còn rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã thành công nhờ biết tận dụng các cơ hội từ việc tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết tìm con đường khởi nghiệp riêng cho mình, mạnh dạn đầu tư cho đổi mới sáng tạo để tìm đến thành công.
Theo các chuyên gia, các bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp thường rất sôi nổi và có tâm lý làm theo người khác. Điều này khiến họ khó tìm ra được thế mạnh riêng và tập trung đầu tư cho đổi mới sáng tạo nên dễ bị đào thải.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp kho học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Các startup muốn trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì điều quan trọng nhất là phải chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ như việc ứng dụng công nghệ thông tin, lợi thế của internet, điện thoại di động, phần mềm, trí tuệ nhân tạo... trong các sản phẩm, sản xuất. Đây là phương tiện kinh doanh quan trọng giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có thể xây dựng mô hình kinh doanh mới, tăng trưởng quy mô thị trường nhanh chóng và từ đó có thể gọi được vốn đầu tư.
Cũng theo ông Quất, bất kỳ nhà đầu tư nào trước khi muốn rót vốn vào một dự án khởi nghiệp cũng rất quan tâm đến mô hình kinh doanh của doanh nghi có mới không, phục vụ đối tượng khách hàng nào, khả năng tăng trưởng, phương pháp để thu lợi nhuận từ mô hình kinh doanh đó... Đây cũng là những vấn đề mà hiện nay chưa có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam quan tâm đúng mức. Thông thường, các bạn trẻ mới chỉ quan tâm đến khả năng tiếp cận và đưa những mô hình kinh doanh đang được phát triển ở nước khác về áp dụng ở nước mình.
Ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm TOPPICA AI Lap cũng chia sẻ: Những doanh nghiệp khởi nghiệp có thẻ đạt được nhiều cơ hội mới, nếu biết chú trọng đầu tư cho công nghệ mới như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ về vật liệu mới… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, những doanh nghiệp không tiến kịp xu hướng này sẽ có thể bị đào thải.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất hơn nữa, các nhóm khởi nghiệp cần chú trọng tìm kiếm thông tin công nghệ, khai thác kho dữ liệu về tài sản trí tuệ, sáng chế, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời cần học tập kinh nghiệm để thành công cũng như bài học thất bại của các doanh nghiệp để tìm ra chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới cho mình.
“Khi lên kế hoạch cho dự án khởi nghiệp, các startup cần có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ; khôngnên xây dựng dự án khởi nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, mơ hồ, không dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, số liệu thị trường cụ thể. Đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, càng phải cần chú ý đến việc xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ và thực tế thử nghiệm thị trường càng nhiều càng tốt”, ông Quất cho biết.