Đây là sự cố kỹ thuật mới nhất trong số nhiều trục trặc mà kính thiên văn này gặp phải kể từ khi được phóng vào vũ trụ hồi tháng 7 năm ngoái, với sứ mệnh lập bản đồ cho một phần ba bầu trời.
ESA hy vọng Euclid sẽ giúp khám phá thêm về bản chất của vật chất tối và năng lượng tối - hai thành phần được cho là chiếm tới 95% vũ trụ nhưng vẫn còn là bí ẩn.
Theo Ralf Kohley, nhà khoa học điều hành hoạt động của thiết bị trên Euclid, trong đợt kiểm tra vào tháng 11, nhóm nghiên cứu trên mặt đất lần đầu tiên nhận thấy lượng ánh sáng đi vào bộ cảm biến ánh sáng khả kiến của kính thiên văn bị giảm nhẹ.
Sau khi phân tích dữ liệu, họ tin rằng vấn đề nằm ở một lớp băng mỏng - có kích thước chỉ bằng sợi ADN - đang tích tụ trên bề mặt quang học của kính thiên văn.
Ông Kohley thừa nhận đây là vấn đề lớn, song vẫn tin tưởng Euclid vẫn có thể hoàn thành sứ mệnh khi các nhà khoa học vào cuộc.
Ngăn chặn sự xâm nhập nước là vấn đề phổ biến đối với tất cả các tàu vũ trụ. Trong môi trường vũ trụ lạnh giá, các phân tử nước đóng băng trên bề mặt đầu tiên chúng chạm vào và trong trường hợp này, một số phân tử nước có thể đã bám trên gương của Euclid.
Ngay sau khi kính thiên văn được phóng, các nhà khoa học đã sử dụng bộ phận sưởi bên trong để làm nóng mọi thứ trên kính, hy vọng loại bỏ bất kỳ lượng nước tiềm ẩn nào. Hiện các nhà khoa học đang cân nhắc thực hiện việc làm này một lần nữa. Tuy nhiên, ông Kohley cho biết việc sửa nóng toàn bộ thiết bị sẽ gây gián đoạn đáng kể cho sứ mệnh.
Ông Kohley cho biết sẽ mất ít nhất một tháng để đưa kính thiên văn trở lại hoạt động khảo sát bầu trời.
Đây không phải là sự cố đầu tiên của Euclid. Các tia vũ trụ trước đó đã khiến cảm biến dẫn đường chính xác của kính bị nhiễu loạn, đòi hỏi các nhà khoa học cập nhật phần mềm.
Euclid chính thức bắt đầu hoạt động khảo sát vào tháng trước. Những hình ảnh đầu tiên của kính thiên văn, được công bố vào tháng 11/2023, cho thấy chùm thiên hà đầy màu sắc trong vũ trụ xa xôi.