Dự án xây dựng Kính thiên văn cực lớn châu Âu (European Extremely Large Telescope - E-ELT) trị giá 1 tỷ euro đã được bật “đèn xanh” để có thể đi vào hoạt động vào đầu thập niên tới. Tại cuộc họp hôm 11/6 của Hội đồng điều hành Tổ chức Quan sát thiên văn Nam bán cầu của châu Âu (ESO) ở Garching (Đức), dự án này nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nước thành viên ESO.
Hình mô phỏng E-ELT. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đây sẽ là kính thiên văn quang học - hồng ngoại lớn nhất thế giới, được coi là “con mắt” khổng lồ quan sát bầu trời. E-ELT sẽ chụp ảnh trực tiếp các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời ở những "khu vực có thể sinh sống được" để trả lời câu hỏi: liệu ngoài Trái Đất, có tồn tại sự sống trong vũ trụ bao la? Một tấm gương lớn đường kính 39,3 mét được ghép bằng 800 mảnh lục giác sẽ cung cấp những hình ảnh xa nhất và chi tiết nhất từ trước tới nay về vũ trụ. Ngoài ra, E-ELT còn có nhiều tấm gương khác có đường kính từ 8-10 m, để có thể quan sát được những vật thể cực xa và mờ nhạt.
Theo nhà khoa học Isobel Hook thuộc trường Đại học Oxford (Anh) tham gia dự án này của ESO, sự kết hợp độc nhất vô nhị giữa thiết bị chụp ảnh sắc nét và phạm vi thu thập rộng lớn sẽ giúp quan sát chi tiết những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ, ví dụ như quá trình hình thành của những dải thiên hà xa xôi, tác động của các hố đen khổng lồ đối với môi trường xung quanh chúng, và thậm chí là tìm kiếm những hành tinh tồn tại sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời.
TTG