Công nghệ Điện toán đám mây (Cloud Computing) là sự phân phối các tài nguyên công nghệ thông tin theo nhu cầu sử dụng qua internet bằng cách sử dụng dịch vụ và khả năng lưu trữ dữ liệu với khối lượng khổng lồ, thậm chí là vô tận. Trong quá trình chuyển đổi số, khi đưa các hoạt động lưu trữ dữ liệu của đơn vị lên đám mây (cloud), doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí đầu tư bằng cách thuê các dịch vụ điện toán đám mây.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam và khẳng định công nghệ điện toán đám mây là một trong những trụ cột công nghệ của quá trình chuyển đổi số. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đã chuyển dịch theo xu hướng chuyển đổi số trên nền tảng điện toán đám mây.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số văn bản, để thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây, như: Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật, để đánh giá và lựa chọn giải pháp điện toán đám mây phục vụ chính phủ điện tử; Hướng dẫn dịch chuyển các hệ thống công nghệ thông tin hiện có lên điện toán đám mây. Đây cũng là định hướng, để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, bảo đảm an toàn thông tin cho điện toán đám mây, để áp dụng, triển khai cho mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Các chuyên gia công nghệ nhận định, xu hướng đưa các dịch vụ, các dữ liệu lên môi trường điện toán đám mây đang phát triển ngày một mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động của mọi quốc gia, mọi ngành nghề, lĩnh vực đều dịch chuyển lên không gian mạng. Môi trường làm việc, học tập trực tuyến sẽ được đảm bảo hiệu quả cao hơn khi sử dụng các nền tảng trực tuyến trên môi trường điện toán đám mây.
Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh tác chiến Không gian mạng, Bộ Quốc phòng nhận định: Các vấn đề về an toàn thông tin, an ninh mạng luôn diễn biến phức tạp đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ số. Dữ liệu số được coi là nguồn tài nguyên vô giá, là tài nguyên quốc gia không chỉ quan trọng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà còn là mục tiêu để các tin tặc, các tổ chức nước ngoài khai thác. Do đó, các doanh nghiệp bước vào chuyển đổi số cũng cần thiết bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trước những tấn công mạng có xu hướng ngày càng gia tăng.
Năm 2020, hơn 143.000 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bị mã độc tống tiền tấn công. Nhiều thiết bị kết nối internet khi làm việc trực tuyến, học tập trực tuyến đang trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Dựa trên kết quả nghiên cứu về các cuộc tấn công mạng gia tăng khi các hoạt động trên môi trường điện toán đám mây nhiều hơn, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV chia sẻ với các doanh nghiệp về đảm bảo an toàn an ninh mạng theo mức độ ưu tiên.
Cụ thể, các đơn vị cần phải bảo vệ tối đa theo mức đầu tư tương ứng trong khuôn khổ, tuỳ thuộc vào từng hệ thống và từng mức độ quan trọng. Những đơn vị quan trọng nên xây dựng và triển khai những hệ thống về quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27 001. Cần cân bằng giữa việc bảo vệ hệ thống và triển khai sẵn sàng ứng phó, giám sát và chủ động phát hiện ra lỗ hổng có thể bị khai thác tấn công, để khoanh vùng xử lý.
Trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 5 doanh nghiệp Việt Nam (Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp) đã làm chủ nền tảng điện toán đám mây đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đồng thời, “Câu lạc bộ điện toán đám mây” cũng đang hoạt động mạnh mẽ, để thúc đẩy thị trường dịch vụ điện toán đám mây, nhằm tạo nên hệ sinh thái các doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin trên môi trường điện toán đám mây, ứng dụng các công nghệ mới một cách tiết kiệm nhất trong quá trình chuyển đổi số.