Ban chuyên gia, gồm khoảng 40 thành viên từ các lĩnh vực công nghệ, luật pháp và bảo vệ dữ liệu, đã được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thành lập vào tháng 10 năm ngoái.
Trong báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tương lai diễn ra từ ngày 22-23/9, các chuyên gia LHQ đã nêu bật tình trạng thiếu sự quản lý toàn cầu đối với AI cũng như việc để các nước đang phát triển đứng ngoài những cuộc tranh luận xung quanh công nghệ này. Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng do AI không ngừng thay đổi, việc cố gắng lập ra một danh sách toàn diện các mối nguy hiểm do công nghệ này gây ra là điều không khả thi. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ thiết lập cơ chế để thúc đẩy hợp tác toàn cầu và ngăn chặn sự phát triển của AI theo hướng không mong muốn. Theo họ, để tránh phải đưa ra các biện pháp đối phó khi đã quá muộn, việc các nước không ngừng đánh giá khoa học và đối thoại chính sách sẽ giúp thế giới sẵn sàng đối mặt với những bất ngờ có thể xảy ra.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển, triển khai và sử dụng công nghệ này không thể chỉ phụ thuộc vào ý muốn của thị trường. Tài liệu này đề xuất thành lập một nhóm các chuyên gia khoa học về AI, theo mô hình tương tự Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) - cơ quan có tiếng nói quyết định trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế về các rủi ro mới nổi và xác định nhu cầu nghiên cứu, đồng thời khám phá cách AI có thể được sử dụng để giảm đói nghèo, bất bình đẳng giới và các mục tiêu khác. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu, hiện đang trong quá trình thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vào ngày 22/9 tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng ủng hộ việc thiết lập cơ chế phối hợp mang tính không ràng buộc trong Ban Thư ký LHQ, dựa trên mô hình của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong trường hợp rủi ro của AI trở nên nghiêm trọng, các quốc gia thành viên cần phải xem xét thiết lập hệ thống quản lý quốc tế chặt chẽ hơn để đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách an toàn và có trách nhiệm.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoan nghênh nội dung cũng như các khuyến nghị của báo cáo. Ông đánh giá báo cáo trên là "bản thiết kế chi tiết" dựa trên các nỗ lực hiện có để định hình và hoàn thiện một kiến trúc AI quốc tế, đảm bảo tính công bằng, linh hoạt và hiệu quả.
Trước đó, người đứng đầu LHQ cũng nhấn mạnh rằng AI phải phục vụ nhân loại một cách công bằng và an toàn. Ông lưu ý rằng nếu không được kiểm soát, những nguy cơ do AI tạo ra có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng đe dọa nên hòa bình và sự ổn định trên thế giới.