Bức ảnh tiểu hành tinh gần Trái Đất do ESA công bố. |
Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 10/8 nêu rõ thiên thể này sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 44.000 km, chỉ bằng 1/8 khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng nhưng cũng vừa đủ xa để không có nguy cơ đâm vào các vệ tinh địa tĩnh quay quanh Trái Đất ở khoảng cách 36.000 km.
Ông Detlef Koschny, thuộc nhóm nghiên cứu "Các vật thể gần Trái Đất" khẳng định: "Chúng ta biết chắc chắn rằng không có khả năng thiên thể này đâm vào Trái Đất. Dù sao thì cũng không có bất cứ mối đe dọa nào".
Tiểu hành tinh trên mang tên TC4, lần đầu tiên bay qua Trái Đất vào tháng 10/2012 ở khoảng cách gấp đôi khoảng cách nói trên, trước khi biến mất khỏi tầm quan sát. Thiên thể này dài khoảng 15-30 mét và bay với tốc độ khoảng 14 km/giây ở thời điểm được phát hiện. Hiện TC4 đang ở cách Trái Đất 56 triệu km.
Đối với các nhà nghiên cứu, lần tiểu hành tinh bay sát qua Trái Đất này sẽ là cơ hội hiếm có để đánh giá các hệ thống "phòng thủ hành tinh" của nhân loại, vốn đến nay chỉ tập trung vào việc cảnh báo sớm chứ không phải làm chệch hướng bay của các vật thể.
Năm 2013, một thiên thạch rộng khoảng 20 mét đã phát nổ trong bầu khí quyển trên thành phố Chelyabinsk của Nga. Sóng xung kích từ vụ nổ đã làm vỡ cửa kính của gần 5.000 ngôi nhà và khiến hơn 1.200 người bị thương. Theo ESA, nếu một thiên thể cỡ TC4 bay vào bầu khí quyển Trái Đất, nó cũng sẽ gây ra hiệu ứng tương tự sự kiện Chelyabinsk.