Hôm 5/7 vừa qua, hơn 900 nghìn con cá hồi đang được nuôi tại trại ở miền nam Chile của công ty Marine Harvest của Na Uy đã thoát khỏi lồng nuôi, có thể do một cơn giông.
Theo bà Liesbeth van der Meer, chuyên gia về nuôi cá hồi, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ cá hồi xổng lồng nuôi, nhưng mối nguy hại lần này là ở chỗ một lượng lớn cá hồi thoát ra như vậy sẽ gây hại môi trường ở vùng quanh đảo Isla Huar của Chile, nơi đặt các lồng cá hồi của công ty Marine Harvest.
Trong vụ này, mỗi con cá hồi nặng khoảng 3,4 kg, nghĩa là đã có khoảng hơn 3.000 tấn cá hồi, tương đương 6.800 con bò, bị xổng chuồng. Cá hồi là loài ăn thịt và mặc dù được nuôi nhốt và cho ăn thức ăn chăn nuôi nhưng khi thoát ra môi trường, chúng vẫn dễ thích nghi và sẽ ăn tất cả những sinh vật nhỏ hơn chúng. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đánh giá vụ này là “vô cùng nghiêm trọng” với môi trường sinh thái vì những con cá hồi này từng được xử lý bằng thuốc kháng sinh.
Bà Van der Meer là thành viên tổ chức Oceana (Đại dương), một tổ chức quốc tế chuyên về bảo vệ các đại dương và hiện nay đang quan tâm đến việc hạn chế sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi cá hồi ở Chile. Doanh nghiệp Na Uy thông báo khoảng 463 nghìn con trong số cá hồi xổng lồng đang được điều trị bằng kháng sinh Florfenicol liều cao.
Các nhà chức trách Chile đã kêu gọi ngư dân không đánh bắt và không bán những con cá hồi xổng lồng này. Bà Van der Meer giải thích: “Con người không gặp nguy hiểm khi ăn phải kháng sinh này, nhưng đó là hợp chất không cần thiết nếu chúng ta không trong quá trình điều trị bệnh”. Bà cũng cho rằng việc bắt lại toàn bộ số cá hồi trên là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bà Van der Meer cũng tố cáo chính phủ Chile “không nghiêm túc” trong việc ban hành những quy định nghiêm về an toàn trong chăn nuôi cá hồi. “Các doanh nghiệp cá hồi thường không bị xử phạt và ngành công nghiệp này cũng không có trách nhiệm với những tổn hại nghiêm trọng mà nó gây ra cho hệ sinh thái”, bà nói. Theo luật pháp Chile, doanh nghiệp có 30 ngày để bắt lại 10% số cá xổng lồng, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Công ty Marine Harvest đang tổ chức đánh bắt lại số cá xổng lồng và đã bắt được gần 30.000 con.
Cá hồi: Món ăn tẩm độc
Nhiều năm nay, giới y học và các chuyên gia bảo vệ môi trường khắp thế giới đã cảnh báo và lên án ngành nuôi cá hồi vì việc sử dụng chất kháng sinh với số lượng lớn. Theo Tổng cục nghề Cá và Nuôi cá quốc gia Chile, năm 2015 ngành công nghiệp cá hồi nước này đã sử dụng 557,2 tấn kháng sinh để kiểm soát dịch bệnh cho cá hồi nuôi và đã sản xuất được 846.163 tấn cá hồi.
Kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi cá hồi ở Chile (và trên thế giới) đang ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các chuyên gia y tế cho biết, chất kháng sinh sử dụng lâu dần sẽ tạo điều kiện sinh ra những vi trùng kháng thuốc kháng sinh và tạo ra những chủng vi khuẩn “siêu kháng thuốc”. Khi con người ăn những thực phẩm từ động vật được nuôi và điều trị bằng kháng sinh sẽ tiếp xúc với những siêu vi khuẩn này.
Theo chuyên gia về nhiễm trùng Fabio Grill, thuộc bệnh viện công Maciel ở Montevideo (Uruguay), chuỗi lây nhiễm này là một nguy cơ thực sự, vì các vi khuẩn kháng thuốc sẽ khiến cho nhiều căn bệnh nhiễm trùng ở người không thể chữa được.
Tất nhiên, nạn sử dụng kháng sinh không chỉ xảy ra ở ngành chăn nuôi cá hồi mà trong tất cả ngành công nghiệp sản xuất thịt, vốn là mắt xích yếu nhất của công tác kiểm dịch. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng là rất cần thiết để thế giới tránh rơi vào thời kỳ như chưa phát hiện và điều chế được loại kháng sinh nào.
Chile là nước sản xuất cá hồi nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Na Uy. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá hồi của Chile đạt hơn 3 tỷ USD. Và xã hội Chile đang đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc là từ bỏ ngành công nghiệp nuôi cá hồi với doanh số hàng tỷ USD và tạo việc làm cho rất nhiều người, hoặc là tiếp tục như hiện nay, đánh đổi sức khỏe để phát triển kinh tế.