Nước Mỹ sẽ chi 1 ngàn tỉ
USD để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí trong vòng 3 thập niên tới, theo một
báo cáo mới công bố của Trung tâm nghiên cứu Cấm phổ biến hạt nhân James Martin
(CNS) - một tổ chức tư vấn độc lập.
“Mỹ đã lên kế hoạch trong vòng 30 năm tới, sẽ
chi gần 1 ngàn tỉ USD để duy trì kho hạt nhân hiện tại, mua
các hệ thống thay thế và nâng cấp các bom, đầu đạn hạt nhân hiện có”, báo cáo
cho biết.
Khoản tiền khổng lồ này
sẽ không được giải ngân đều trong suốt thời kỳ dài đó, mà theo các tác giả của
báo cáo, ở thời điểm đỉnh cao, Mỹ sẽ phải chi tới 3% ngân sách quốc phòng hàng
năm cho kho hạt nhân – tương đương với tỉ lệ dưới thời cựu Tổng thống Ronald
Reagan ở thập niên 1980.
Bản báo cáo trên được
CNS xây dựng sau một năm nghiên cứu về chi phí ước tính để duy trì và hiện đại
hóa kho hạt nhân Mỹ. Số liệu của họ tương đối phù hợp với số liệu mà Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ đưa ra tháng
trước - cơ quan này dự đoán Washington sẽ chi 355 tỉ USD trong một thập kỷ tới cho kho
vũ khí hạt nhân.
Theo những số liệu mới
nhất của Liên đoàn Khoa học gia hạt nhân (FAS), nước Mỹ hiện sở hữu 4.650 đầu
đạn hạt nhân, trong đó 2.130 đầu đạn sẵn sàng hoạt động. Ngoài ra, Washington
vẫn lưu giữ 2.700 đầu đạn hạt nhân đã hết hạn mà chưa được dỡ bỏ.
Nước Mỹ cũng duy trì hệ
thống “bộ ba hạt nhân”, cho phép phóng đầu đạn hạt nhân qua tên lửa đất đối,
tên lửa ngầm đối hoặc từ máy bay ném bom. Theo ước tính của FAS, “1.620 đầu đạn
chiến lược đã được triển khai sẵn trên các tên lửa đạn đạo, trong đó 1.150 đầu
đạn trên tên lửa đạn đạo ngầm đối (SLBMS) và 470 trên tên lửa đạn đạo liên lục
địa (ICBM); gần 300 đầu đạn hạt nhân khác được đặt tại các căn cứ của máy bay
ném bom tại Mỹ; và gần 200 đầu đạn phi chiến lược đã được triển khai tại châu
Âu”.
Báo cáo của CNS ước
tính, trong những năm gần đây “bộ ba hạt nhân” đã ngốn của nước Mỹ khoảng 8 tỉ
USD mỗi năm, tương đương khoảng 240 tỉ USD trong 30 năm. Chính quyền Tổng thống Obama đã lên kế hoạch hiện
đại hóa cả ba “chân kiềng” trong bộ ba hạt nhân này trong những thập niên tới, tuy nhiên kế
hoạch này chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng lớn với Không quân và Hải quân Mỹ, hai lực
lượng chịu trách nhiệm cho 3 "chân kiềng" hạt nhân.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ
Barack Obama và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã ký hiệp ước giải trừ
hạt nhân START. Theo đó, Nga và Mỹ mỗi bên phải giảm kho đầu đạn hạt nhân đã
triển khai xuống mức trần là 1.550 đơn vị vào năm 2018.
Phan Long