Theo hãng tin AFP (Pháp), nhờ vào những cải tiến thiết kế trang phục mới, các nhà du hành vũ trụ Mỹ sẽ có thể đi lại thoải mái hơn trên bề mặt của Mặt Trăng so với thời kỳ của tàu con thoi Apollo.
Các mẫu trang phục mới gồm bộ Orion Crew Survival Suit để mặc trong hành trình bay và bộ Exploration Extravehicular Mobility Unit (xEMU) mặc trong khi đi lại trên bề mặt Mặt Trăng vừa được ra mắt tại trụ sở của NASA ở Washington hôm 15/10. Bộ xEMU sẽ là trang phục các phi hành gia Mỹ sẽ mặc trong kế hoạch trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.
Kỹ sư chế tạo trang phục du hành vũ trụ Kristine Davis đã mặc bộ xEMU gồm 3 màu đỏ, xanh, trắng và chỉ ra những điểm nâng cấp lớn trong hệ thống vòng bi ở thắt lưng, cánh tay và chân của trang phục giúp người mặc vận động dễ dàng hơn.
Trang phục chỉ có 1 size nhưng có thể nới rộng ra để vừa với mọi ngoại hình của các phi hành gia. xEMU có thể khắc phục mọi nhược điểm của các bộ trang phục trước đây, tránh lặp lại trục trặc đã xảy ra hồi tháng 3 khi sứ mệnh của nhóm phi hành gia nữ đã phải hủy bỏ chỉ vì một bộ trang phục cỡ trung thứ 2 chưa sẵn sàng.
“Nếu chúng ta còn nhớ trong thời kỳ tàu Apollo, nhà du hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã phải nhảy đi trên bề mặt của Mặt Trăng. Giờ thì chúng ta sẽ có thể bước đi trên bề mặt Mặt Trăng, điều này sẽ rất khác so với các bộ trang phục trước đây”, quan chức NASA Jim Bridenstine phát biểu tại sự kiện ra mắt trang phục mới.
Một cải tiến quan trọng khác là khả năng hấp thụ carbon dioxide không giới hạn của bộ trang phục xEMU, một khí sản sinh ra trong quá trình hô hấp rất độc hại khi tích tụ ở nồng độ cao.
Bộ trang phục đạt được điều này thông qua một hệ thống có thể vừa hấp thụ vừa loại bỏ khí ra môi trường chân không trong vũ trụ, không giống như các hệ thống hiện tại chỉ hấp thụ carbon dioxide cho tới khi đạt đến điểm bão hòa.
Bộ trang phục sinh tồn mới này cũng được thiết kế để hỗ trợ phi hành gia có thể tồn tại tối đa 6 ngày trong tình huống không may nếu một thiên thạch đâm vào làm thủng thân tàu vũ trụ.
Theo sứ mệnh của Artemis, NASA dự kiến đổ bộ xuống cực Nam của Mặt Trăng để khám phá phần băng nước từng được phát hiện năm 2009 ở đây với mục đích hỗ trợ sự sống và phân tách hydro và oxy để sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.
NASA coi sứ mệnh trở lại Mặt trăng năm 2024 của họ là một sứ mệnh nền tảng để hướng tới nhiệm vụ tiếp theo là đổ bộ Sao Hỏa vào năm 2030.