Ông Zeleny cho biết sao Kim hiện là trung tâm chú ý của ngành nghiên cứu vũ trụ thế giới, vì dấu vết được cho là của sự sống đã được phát hiện trong các đám mây của sao, đồng thời cũng có những phỏng đoán về khả năng tồn tại sự sống trên bề mặt sao Kim.
Trạm nghiên cứu dự kiến bao gồm một module đổ bộ có nhiệm vụ lấy mẫu đất từ hành tinh này. Trước đó, có thông tin cho biết khí phosphine - một trong những dấu hiệu về sự sống được phát hiện trong bầu khí quyển của sao Kim. Trên Trái Đất, loại khí này được vi khuẩn tạo ra trong hệ sinh thái kỵ khí.
Được biết, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang nghiên cứu khả năng đưa các mẫu đất, khí quyển và sol khí từ sao Kim về Trái Đất.
Năm 2021, ông Dmitry Rogozin, khi đó là Tổng giám đốc Roscosmos, cho biết đã đạt thỏa thuận với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thành lập phái bộ chung nghiên cứu sao Kim. Tuy nhiên, ngày 29/11/2021, ông cho biết phía Mỹ có thể từ bỏ dự án chung Venera-D và nếu trường hợp này xảy ra, Nga sẽ tự phóng trạm nghiên cứu cho dù chi phí sẽ tăng lên đáng kể.
Ngày 15/5/2023, Roscosmos thông báo công việc thiết kế sơ bộ trạm vũ trụ Venera-D sẽ được khởi động vào đầu năm 2024, việc Mỹ từ bỏ dự án không ảnh hưởng đến mục tiêu của nước này.