Vấn đề bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm không chỉ đặt ra với những giống cây ăn quả như đã đề cập ở các kì trước mà còn đặt ra với những cây thuốc quý khu vực miền núi phía Bắc. Đây là địa bàn hiểm trở, dân trí thấp nên công tác bảo tồn gặp vô vàn khó khăn.
Cây quý bị tận diệt
Thài Phìn Tủng nằm ở sườn và thung lũng cao nguyên đá vôi thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang, cực Bắc Tổ quốc. Nơi đây từng có rất nhiều cây thông tre lá ngắn (tiếng Mông gọi là chư pảy đơ), một loại cây quý. Thông tre lá ngắn có gỗ màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, vòng sinh trưởng có vân hoa đẹp, gỗ tốt dùng để đóng đồ gia dụng. Cây có dáng đẹp được trồng làm cảnh. Thài Phìn Tủng cũng là “lãnh địa” của cây mật gấu, hay mã hồ, ke ních. Trong Sách đỏ Việt Nam 2007, cây được xếp ở bậc EN, là bậc nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn ngoài thiên nhiên. Mật gấu là loại cây thuốc quý hiếm, dùng để chữa kiết lỵ, viêm gan, vàng da, ho lao, mất ngủ…
Cây thông tre lá ngắn hiếm hoi còn sót lại trên vùng núi đá Thài Phìn Tủng, Đồng Văn, Hà Giang. |
Điều đáng buồn là những cây gỗ quý, thuốc quý này lại đang bị người dân địa phương tận thu, bán cho thương lái Trung Quốc. Phần vì người dân chưa hiểu hết giá trị của cây quý, tiếp đến là vì chính quyền địa phương chưa có biện pháp bảo tồn hiệu quả.
Tiếp xúc với những người dân địa phương, hỏi về những cây thông tre lá ngắn, một người Mông ngoài bốn mươi tuổi nói: “Giờ không còn nữa đâu. Bên kia (chỉ sang phía Trung Quốc - PV) trả tiền cao, mua hết rồi”.
Thông tre lá ngắn được mua nhiều nhất khoảng giữa năm 2012. Anh Phùng Mý Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Thài Phìn Tủng cho biết, cây thông tre lá ngắn từng xuất hiện khá nhiều ở vùng núi đá tai mèo của Thài Phìn Tủng và các xã lân cận. Thương lái Trung Quốc thu mua loại cây này từ vài năm trước nhưng giá khá thấp. Năm 2012, giá thu mua tăng đột biến khiến mọi người ồ ạt khai thác. Hiện thông tre lá ngắn trưởng thành trên địa bàn xã Thài Phìn Tủng và các xã lân cận hầu như không còn nữa.
Còn cây mật gấu cũng bị bà con chặt rồi bó, bán cho thương lái với giá rất rẻ, có khi chỉ được 20.000 đồng/bó trăm cây. Trên đường từ Quản Bạ đến Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi gặp vài cửa hàng có bán cây mật gấu sấy khô. Một gói cây mật gấu sấy khô, nặng 0,5 kg có giá 50.000 - 80.000 đồng.
Hiệu quả bước đầu từ dự án bảo tồn
Một dự án bảo tồn những loại cây quý đã được Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thực hiện từ tháng 9/2003 đến tháng 12/2009 nhằm giữ gìn nguồn gen 17 loài cây quý hiếm trên vùng đá vôi ở cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang). Mặc dù, nếu so sánh với tốc độ tận diệt những loại cây quý thì việc bảo tồn của dự án này chỉ như “muối bỏ biển”, nhưng những nỗ lực của các nhà khoa học nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học tại vùng cao nguyên đá thì không thể không ghi nhận.
Theo TS Lê Trần Chấn, Giám đốc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học, Trưởng Ban điều hành dự án, dự án đã điều tra, khảo sát, phát hiện thêm được 13 loài cây quý hiếm cùng nhiều cá thể của 17 loài quý hiếm ở Thài Phìn Tủng và một số xã khác. Dự án cũng đã tiến hành nhân giống bằng hom ở thị trấn Đồng Văn và xã Thài Phìn Tủng, làm được hơn 10.300 cây giống đem đi trồng. “Đây là một thành công của dự án trong việc thử nghiệm chất kích thích ra rễ với các loài cây quý hiếm. Ngoài ra, dự án còn nhân giống bằng hạt 3 loài cây quý hiếm”, TS Chấn cho hay.
Riêng đối với cây thông tre lá ngắn, theo TS Lê Trần Chấn, khảo sát 2 đợt tại xã Thài Phìn Tủng thấy có 140 cây. Loại cây này từng nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Nhờ có dự án mà giống cây được khôi phục. “Nhưng với tình trạng khai thác không kiểm soát như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng khá cao”, TS Chấn nói. Những nghiên cứu cơ bản của dự án là căn cứ khoa học quan trọng để tiến tới bảo tồn và nhân giống phát triển thành vùng nguyên liệu, phục vụ cho việc phát triển công nghệ sản xuất các cây quý hiếm có giá trị cao.
Anh Phùng Mý Cở cho biết thêm, đến nay, những cây thông đỏ bắc, thông tre lá ngắn được trồng theo dự án của TS Chấn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. “Cây vẫn còn nhỏ nhưng được các hộ dân chăm sóc tốt. Còn các cây ngoài tự nhiên hầu như không còn”, anh Cở nói.
Tại các xã của huyện Đồng Văn còn nhiều loại cây đặc biệt quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như thông đỏ bắc, dẻ tùng sọc nâu, đỉnh tùng, hà thủ ô đỏ, vân sam... Có cây còn nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Trong khi địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán các loại cây quý này; nhận thức người dân chưa cao, thấy cái gì bán được là bán mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài, dự án của TS Chấn càng trở nên có giá trị.
“Khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn gen quý hiếm như ở Đồng Văn không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà cả kinh tế, môi trường, trong đó có những giá trị tích lũy không thể tính bằng tiền”. GS.TS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật |
Hoàng Dương - Phạm Hồng
Bài cuối: Bảo tồn gen gắn với phát triển kinh tế