Chương trình đã có nhiều đề tài, sản phẩm công nghệ Vũ trụ, góp phần phục vụ thiết thực, hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Nhiều ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ Vũ trụ giai đoạn 2016-2020 đã có vai trò rất quan trọng trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Thông qua việc xây dựng, triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về công nghệ vũ trụ, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ vũ trụ ngang tầm với khu vực và thế giới, làm tiền đề, thực hiện thành công Chiến lược, đưa công nghệ vũ trụ trở thành công cụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Sau 5 năm thực hiện, với hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Chương trình đã thực hiện 26 đề tài nghiên cứu. Nổi bật có các đề tài ”Ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu xu thế biến động điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học định hướng phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo Tây Nam Việt Nam” và “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 (và tương đương) trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh”, do Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh đó, công nghệ vũ trụ còn được ứng dụng vào công tác bảo tồn di sản văn hóa như: sản phẩm “Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ học ở miền Tây Nam Bộ (trọng điểm là nhóm các di tích Óc Eo)” do Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện.
Đối với công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ vũ trụ cũng được các nhà khoa học thực hiện với các sản phẩm tiêu biểu như: “Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển Bắc bộ, thí điểm tại tỉnh Nam Định” do Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. “Nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý, giám sát đường biên và trợ giúp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Bắc, ứng dụng cho tỉnh Cao Bằng” do Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa xây dựng bộ dữ liệu bản đồ thảm thực vật dưới biển, ứng dụng thí điểm tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa” do Viện ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ
Đối với các nghiên cứu phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác, Chương trình đã cho ra nhiều sản phẩm, đề tài có chất lượng ứng dụng cao như: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu (sounding rocket) đưa thiết bị khoa học để thử nghiệm thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao” do Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng chủ trì. Đây là đề tài lớn nhất của Chương trình do Học Viện Kỹ thuật Quân sự chủ trì. Theo đó, tên lửa nghiên cứu đưa các thiết bị đo thông số khí quyển lên độ cao 40km theo như quỹ đạo bay của các tên lửa mang vệ tinh, tách tầng 1, tầng 2, rồi thả thiết bị đo thông số khí quyển vào không gian, tự rơi xuống bằng dù và đo, truyền dữ liệu đo xuống Trạm mặt đất.
Ngoài ra, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” cho ra đời vệ tinh NanoDragon dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam. Vệ tinh NanoDragon sẽ bay lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao 560 km vào ngày 1/10 tới tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản.
Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, giao tiếp tốt và cung cấp dữ liệu này xuống trạm mặt đất, sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế thử nghiệm công nghệ, chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh.
Chương trình đã thực hiện 17 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sử dụng vệ tinh của Việt Nam, giám sát và dự báo thiên tai; xây dựng 13 hệ thống WebGIS sử dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, lớp phủ rừng, mức độ ô nhiễm không khí... trên cơ sở ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh và công nghệ viễn thám.
Ngoài ra, chương trình đã hoàn thành các sản phẩm về công nghệ vũ trụ như: Tên lửa nghiên cứu, Hệ thống anten bám kiểu Hexapod, Phân hệ cao tần cho vệ tinh Micro; hệ thống thông tin di động chuyên dụng chuyển tiếp vệ tinh phục vụ vùng sâu vùng xa, biển đảo và các trường hợp khẩn cấp; bộ thu phát và xử lý tín hiệu trong hệ thống thông tin vệ tinh; 1 vệ tinh siêu nhỏ phục vụ ứng dụng đặc thù; 1 khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã thực hiện 5 phần mềm sử dụng công nghệ vũ trụ gồm: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về các yếu tố môi trường biển; bộ phần mềm mã nguồn mở mô phỏng, xử lý ảnh viễn thám trên nền công nghệ đồ họa; hệ thống phần mềm hỗ trợ tích hợp thông tin giám sát một số mục tiêu, đối tượng (tàu thuyền và giàn khoan) trên vùng biển Việt Nam; phần mềm mô phỏng công nghệ chế tạo, thử nghiệm vệ tinh cỡ Nano; phần mềm mô phỏng công nghệ chế tạo, thử nghiệm Tên lửa đẩy...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ Vũ trụ giai đoạn 2016-2020, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung, sản phẩm được phê duyệt. Các nhiệm vụ khoa học được lựa chọn để thực hiện đều có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ Vũ trụ giải quyết các vấn đề cấp bách, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai trong một số lĩnh vực công nghệ đề ra trong Chiến lược như công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất, công nghệ tên lửa đẩy và các công nghệ liên quan khác. Nhiều kết quả và sản phẩm có giá trị khoa học - công nghệ và ý nghĩa ứng dụng, một số sản phẩm và kết quả đạt được lần đầu tiên ở Việt Nam, mở ra các triển vọng ứng dụng rõ rệt. Các kết quả của Chương trình cũng góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác các cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ đã được đầu tư, đặc biệt là dữ liệu ảnh vệ tinh VNREDSat-1.
Để phát huy những thành quả đạt được cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ Vũ trụ trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Minh Chung cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, quy trình đề xuất và xác định nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ vũ trụ), phát huy hơn nữa trí tuệ và năng lực sáng tạo của các nhà khoa học, nâng cao chất lượng của các đề tài nghiên cứu...