57 đội Robotics (đội thi đấu) với hơn 170 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên trên địa bàn Hà Nội đã tham gia thi đấu, trình diễn kỹ thuật điều khiển robot tự động.
Ngày hội do Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần DTT Eduspec -Học viện STEM, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Đại học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Với chủ đề “Hóa học xanh”, các học sinh được tìm hiểu những vấn đề nóng về môi trường như ô nhiễm, xử lý rác thải, chất thải... Học sinh được mô phỏng thực trạng ngành công nghiệp hóa chất đang phải đối mặt. Thông qua việc giải quyết các vấn đề chung mà xã hội đang quan tâm, học sinh sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc tổng hợp những chất mới và thực hành những giải pháp liên quan, từ đó có những suy nghĩ, hành động thiết thực cải tạo cuộc sống.
Các đội chơi trải qua 5 nhiệm vụ gồm: Tổng hợp hợp chất mới (Synthesize new substance), phản ứng với chất xúc tác (Caralytic Reaction Process), thanh lọc chất (Purification process) thân hủy chất (Substance disintegration), phân phối thành phẩm (Product allocation).
Anh Nguyễn Quốc Hùng (Kỹ thuật Học viện STEM) cho biết, tham dự ngày hội, các học sinh sẽ được nâng cao khả năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó học sinh sẽ được nâng cao, tăng cường khả năng lập trình từ tiếp cận đển xử lý đơn giản các khối lệnh đến việc tự chắp nối giải pháp xử lý các nhiệm vụ.
Từ đó, học sinh sẽ hình thành tư duy thuật toán lập trình cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, với áp lực về thời gian, cũng như cạnh tranh với các đội chơi, ngày hội giúp trẻ em thể hiện khả năng của mình, hoàn thiện mình trong thi đấu ở đấu trường nhỏ trước khi tham gia thi đấu ở khu vực và quốc tế.
Anh Hùng cũng cho biết, mục tiêu của việc giáo dục khoa học cho học sinh theo mô hình STEM sẽ hình thành cho Việt Nam một lứa học sinh có lứa tư duy hoàn chỉnh về thuật toán logic, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin của Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyễn Gia Linh (học sinh lớp 8A4, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành) cho biết, điều mà các học sinh thu nhận được qua hội thi là tình đồng đội và cách thức, nguyên tắc làm việc theo nhóm. Đã tham gia các lớp học giáo dục STEM được 6 năm, Gia Linh nhận được khá nhiều lợi ích từ việc tham gia các cuộc thi, các chương trình thực tế, cọ sát về kiến thức khoa học. Gia Linh cho biết, qua những cuộc thi như thế này, chúng em học được tính tỉ mỉ, cẩn thận hơn và đặc biệt suy nghĩ logic hơn, từ đó tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.
Ngày hội Robothon là sân chơi bổ ích, trí tuệ, khuyến khích sự sáng tạo dành cho các bạn học sinh đam mệ STEM nói chung và lĩnh vực Robot nói riêng. Chủ đề của các cuộc thi robothon được thay đổi theo năm nhằm hướng học sinh đến những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Ngày hội Robothon được tổ chức từ cấp trường, thành phố, đến cấp quốc gia.