Nghiên cứu củng cố thêm hình ảnh về những nữ 'chiến binh' thời tiền sử 

Trong nhận thức về xã hội săn bắn hái lượm của người tiền sử, chúng ta thường quen thuộc với hình ảnh những người thợ săn mạnh mẽ, nam tính, trong khi nữ giới chủ yếu quẩn quanh tại nơi ở và đi hái lượm thức ăn gần đó. Thế nhưng, một nghiên cứu mới công bố đã chỉ ra rằng phụ nữ thời xa xưa từng có lịch sử lẫm liệt, chứ không chỉ ở yên trong nhà như chúng ta thường nghĩ. 

Chú thích ảnh
Mô tả của một nghệ sĩ về hoạt động săn bắn ở dãy núi Andes của Nam Mỹ 9.000 năm trước. Các nhà khảo cổ đã rất ngạc nhiên khi phân tích một ngôi mộ thợ săn từ thời kỳ đó cho thấy cá thể này là nữ. Ảnh: nationalgeographic.com

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Science Advances ngày 4/11, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện những dấu tích 9.000 năm tuổi của một phụ nữ trẻ cùng nhiều công cụ đi săn ở dãy Andes thuộc lãnh thổ Peru. Đây là một trong 6 bộ hóa thạch xương người được chuyên gia Randall Haas thuộc trường Đại học California và các thành viên thuộc cộng đồng Mulla Fasiri sinh sống tại Wilamaya Patjxa, một địa điểm khảo cổ quan trọng ở vùng cao Peru, phát hiện năm 2018. 

Dựa trên những phân tích kỹ hơn đối với 27 bộ hóa thạch xương người được tìm thấy tại khu chôn cất cùng những công cụ đi săn tương tự, nhóm các nhà khoa học do chuyên gia Randall Haas đứng đầu - đã kết luận rằng khoảng 30-50% thợ săn ở châu Mỹ trong thời gian này có thể là nữ giới. Theo ông Haas, kết quả nghiên cứu "làm nổi bật sự chênh lệch trong thực hành lao động ngày nay, về những vấn đề như khoảng cách chênh lệch về lương của hai giới, chức danh và thứ bậc xã hội".

Những phân tích về cấu trúc xương, cũng như các phân tử sinh học được gọi là peptide trong men răng của các bộ hóa thạch giúp các nhà khoa học xác định được một người trong số này là nữ giới trong độ tuổi 17-19. Họ đặt tên đối tượng nghiên cứu này là "WMP6".

Theo ông Hass, trong quá trình khai quật khu vực chôn cất WMP6, các chuyên gia phát hiện nhiều công cụ săn bắn và sơ chế động vật như giáo đá để săn các động vật, một con dao và những mảnh đá lớn để loại bỏ các cơ quan nội tạng của con vật, cũng như các công cụ để cạo da và thuộc da chúng. Đây là những minh chứng rõ ràng về việc WMP6 là một thợ săn.

Những công cụ nói trên có thể được đặt cùng nhau trong một chiếc túi da. WMP6 sẽ sử dụng một vũ khí được gọi là "atlatl" - tựa như một chiếc đòn bẩy giúp người cổ đại có thể ném giáo đá đi xa hơn nhiều - để săn mồi. Con mồi chủ yếu của người tiền sử vào thời điểm đó là những loài vật như lạc đà không bướu và hươu.

Để tìm hiểu xem nữ thợ săn này có phải là một nhân vật đặc biệt hay chỉ là một trường hợp bình thường trong giai đoạn cách đây 9.000 năm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét 429 cá thể được chôn cất tại 107 địa điểm khác nhau ở châu Mỹ từ cách đây khoảng 17.000 đến 4.000 năm. Trong số này, họ phát hiện 27 người cũng được chôn cất cùng những công cụ đi săn, trong đó có 16 nam giới và 11 nữ giới.

Nhóm nghiên cứu khẳng định: "Số lượng mẫu vật đủ đảm bảo về mô hình thống kê rằng khoảng 30-50% thợ săn trong xã hội thời bấy giờ là nữ giới". Theo nhóm nghiên cứu, nghiên cứu này đã củng cố những tài liệu ủng hộ "những luận điểm cho rằng cấu trúc giới tính hiện đại thường không phản ánh những cấu trúc trong quá khứ". Trước đó, các nghiên cứu năm 2017 cũng đã xác nhận về sự tồn tại của nữ chiến binh Viking thông qua một nghiên cứu di truyền.

Thanh Phương  (TTXVN)
Đi theo dấu chân người tiền sử...
Đi theo dấu chân người tiền sử...

Cách đây khoảng 120.000 năm, ở vùng đất ngày nay là miền Bắc Saudi Arabia, một nhóm nhỏ gồm những người homo sapiens (hay còn gọi là người tinh khôn, hoặc người hiện đại) dừng lại để uống nước và tìm kiếm thức ăn tại một hồ nước cạn - vốn cũng là nơi thường xuyên lui tới của lạc đà, trâu và voi. Khi đó chúng to lớn hơn bất kỳ loài vật nào chúng ta có thể thấy ngày nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN