Đó là một nội dung trao đổi tại Hội thảo "Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Đề án 844) tổ chức ngày 10/9 tại Hà Nội.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết: "Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ còn tập trung riêng ở một lĩnh vực nào mà ngày càng lan tỏa ra ra đa ngành, đa nghề với những kết quả đáng kể. Tính đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp). Cùng với số lượng, chất lượng các doanh nghiệp này ngày càng cao thể hiện ở các con số cụ thể như: Năm 2017 Việt Nam đã tiếp nhận tới 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi số thương vụ và tổng số vốn đầu tư tăng 50% so với năm 2016; với những cái tên thành công nổi bật như: Kyber Network, Foody…"
Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước được đánh giá có sự tăng trưởng cao và ngày càng bài bản hơn, các dự án thu hút được khoảng hơn 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt trong số các đó, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài.
Hiện nay sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam là rất lớn với số lượng giao dịch chiếm tới hơn 1/3; giá trị đầu tư từ quốc tế cũng gấp hơn 5 lần so với đầu tư trong nước, các khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 vừa qua cũng đều đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí đã có một số nhà đầu tư nước ngoài còn có ý định sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Điều này cho thấy, để thu hút nguồn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam rất cần tập trung chú trọng đến việc kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Để làm được điều này theo Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN), thời gian tới cần phải tập trung quảng bá, giới thiệu các startup tiêu biểu của Việt Nam ra quốc tế; giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp này có thể tham gia các vườn ươm khu làm việc chung nổi tiếng thế giới tại các quốc gia khởi nghiệp mạnh như: Singapore, Israel… Đồng thời mời các chuyên gia diễn giả trong lĩnh vực khởi nghiệp quốc tế đến Việt Nam để đào tạo cho các startup Việt; tăng cường thiết lập các hoạt động chung để kết nối kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước để trao đổi, học hỏi và nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Cùng với đó việc cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng cần được cải thiện để dễ dàng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài…
Còn theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập KisStartup, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước lớn mạnh, việc đầu tư nội lực cho đội ngũ startup Việt Nam là một vấn đề rất quan trọng. Đơn cử như việc năng lực ngoại ngữ để thuyết trình dự án với các nhà đầu tư quốc tế của các startup Việt hiện nay vẫn còn yếu. Thậm chí nhiều nhà đầu tư quốc tế có phản ánh, họ rất mong muốn trao đổi trực tiếp với các startup Việt bằng tiếng Anh nhưng ít có cơ hội; bên cạnh đó các startup Việt vẫn bị đánh giá là còn phản ứng hơi chậm, phản hồi chậm. Đây cũng là vấn đề các startup cần chú trọng đầu tư hơn nữa để dễ dàng có được sự chú ý từ các nhà đầu tư.