Theo kênh CNN, người này tên là Oscar Vinals, một nhà thiết kế tham vọng ở Barcelona.
Một điều đặc biệt là Oscar Vinals thậm chí còn không có bằng kỹ sư hàng không. Ông cũng không liên quan gì tới Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ hay các tổ chức nghiên cứu hàng không nào khác.
Thế nhưng, những thiết kế giàu trí tưởng tượng của Oscar Vinals đã khiến những người trong ngành chú ý.
Những ý tưởng thiết kế của Vinals tất nhiên sẽ không sớm trở thành hiện thực vì ít nhất phải cần công nghệ để thực hiện.
Dù vậy, ông vẫn tin vào tính khả thi của các thiết kế, ít nhất là từ quan điểm lý thuyết. Ông nói: “Tôi không định thiết kế chỉ để trông cho đẹp mắt hay bắt mắt. Tất cả thiết kế đều được ra đời sau khi nghiên cứu chuyên sâu và tôi kỳ vọng một ngày nào đó, các thiết kế có thể làm nền tảng cho một dự án thực sự. Máy bay sạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, lò phản ứng tổng hợp hạt nhân di động…
Rất nhiều trong số những thứ trên đang ở giai đoạn ý tưởng trong phòng thí nghiệm và tôi cho rằng phần lớn cuối cùng sẽ trở thành hiện thực”.
Vinals dàng phần lớn sự nghiệp làm nhà thiết kế đồ họa tự do cho các nhóm đua xe. Các thiết kế tham vọng của ông dường như phù hợp với thời đại khi mà công nghệ đang bắt đầu định nghĩa lại những điều chúng ta có thể kỳ vọng từ ngành hàng không trong vài chục năm tới.
Không có nền tảng về kỹ sư hàng không chính thức cũng không phải là một trở ngại với Vinals vì ông chủ yếu là tự mày mò thông qua các chương trình tự học chuyên sâu.
Vinals cũng đầu tư một số tiền đáng kể vào các công cụ hiện đại, ví dụ như phần mềm thiết kế máy bay chuyên nghiệp.
Thiết kế của Vinals rất đa dạng, thể hiện tầm nhìn của ông về một tương lai mà các công nghệ phát triển vượt bậc và mỗi thiết kế lại phù hợp với một thị trường, một xu hướng cụ thể.
Nhà thiết kế Vinals nói: “Với các hành trình ngắn, chúng ta sẽ dùng máy bay lai và máy bay điện kích thước khác nhau. Với những chuyến bay dài, chúng ta có thể dùng máy bay siêu bội âm (hypersonic) có thể bay gần hết vòng quỹ đạo. Đây là một lựa chọn cho những hành khách phiêu lưu nhất, giàu có nhất. Hoặc có thể dùng máy bay siêu thanh chở được hàng trăm người”.
Máy bay siêu thanh có thể sử dụng công nghệ đẩy mới như lò phản ứng nhiệt hạch mini hoặc hệ thống máy bay phản lực.
Cuối cùng, sẽ có những cỗ máy bay khổng lồ có tới ba tầng, trang bị động cơ lai, to như những tàu biển chở được hàng trăm khách.
Ngoài bản chất viễn tưởng, các thiết kế của Vinals đều có một điểm chung khác là tập trung vào công nghệ thân thiện với môi trường.
Chiếc AWWA Sky Whale là một ví dụ. Đây là một thiết kế máy bay có cánh “tự sửa chữa” có thể chở 755 khách. Hay như mẫu AWWA-QG Progress Eagle, một máy bay ba tầng không phát thải carbon.
Vinals rất hào hứng với triển vọng dùng phản ứng tổng hợp hạt nhân để làm nguồn năng lượng không phát thải mà khả năng lại gần như không hạn chế. Ông nói: “Vẫn còn mất nhiều năm nữa nhưng không phải là chuyện quá xa xôi, ngay cả những tên tuổi lớn trong ngành cũng đang đầu tư vào điều này. Ví dụ như Lockheed Martin, tập đoàn này đang nghiên cứu lò phản ứng tổng hợp hạt nhân di động vài năm nay rồi”.
Trong thực tế, máy bay của Vinals không chỉ không phát thải mà sẽ còn đóng góp tích cực vào giữ gìn bầu trời sạch sẽ.
Một số ý tưởng thiết kế của ông sẽ có thể lắp được một thiết bị thu carbon từ bầu khí quyển. Ông thậm chí còn hình dung ra một máy bay trang bị laser để có thể phá hủy mọi loại mảnh vỡ do con người tạo ra từ vũ trụ. Thiết bị này tên là Máy dọn mảnh vỡ vũ trụ MKS-1B LSJC và đang ở dạng ý tưởng.
Tất nhiên, chỉ có thời gian mới có thể trả lời bao giờ các ý tưởng tham vọng này trở thành hiện thực.
Một số công ty và nhà đầu tư hoạt động mạnh trong lĩnh vực sáng chế hàng không đã tiếp cận Vinals, mong muốn tận dụng sự sáng tạo và tầm nhìn sâu rộng của ông.