Phát hiện dấu vết của một loài người tiền sử mới tại Israel

Ngày 25/6, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv và Đại học Hebrew của Israel cho biết đã hiện xương của “một loài người tiền sử mới” mà giới khoa học chưa từng biết đến, hứa hẹn làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của con người.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học đặt tên cho phát hiện mới này là “người Nesher Ramla” theo tên địa điểm khai quật. Ảnh: en-med.tau.ac.il

Trong quá trình khai quật tại mỏ đá của một nhà máy xi măng gần trung tâm thành phố Ramla, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các mẫu xương thời tiền sử không giống với bất cứ loài nào thuộc chi người (Homo genus), bao gồm cả người Tinh khôn (Homo sapiens). Các nhà khoa học đặt tên cho phát hiện mới này là “người Nesher Ramla” theo tên địa điểm khai quật.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, nhà nhân chủng học Yossi Zaidner đồng thời là người dẫn đầu nhóm khảo cổ, cho biết các hài cốt nói trên có niên đại cách đây từ 140.000-120.000 năm. Mặc dù hình thái học của người Nesher Ramla có một số nét tương đồng với người Neanderthal và người cổ xưa, song lại rất khác người hiện đại ở cấu trúc hộp sọ, đặc biệt là không có cằm và răng rất lớn.

Cùng với hài cốt người, tại di chỉ khảo cổ này còn phát hiện một lượng lớn xương động vật và công cụ bằng đá.

Ông Yossi Zaidner nhấn mạnh những phát hiện khảo cổ liên quan đến xương người cho thấy loài người Nesher Ramla sở hữu kỹ thuật sản xuất công cụ bằng đá tiên tiến và rất có thể họ đã tương tác với người Tinh khôn bản địa. Ông nhấn mạnh các nhà khoa học chưa từng nghĩ tới  việc bên cạnh người Tinh khôn, người cổ xưa đã từng tồn tại muộn đến thế trong lịch sử nhân loại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng một số hóa thạch phát hiện trước đó ở Israel có niên đại đến 400.000 năm có thể cũng thuộc về loài người tiền sử vừa phát hiện.

Khám phá mới đã làm lung lay giả thuyết vốn được chấp nhận rộng rãi lâu nay là người Neanderthal có nguồn gốc từ châu Âu và sau đó buộc phải di cư về phía nam để thoát khỏi các sông băng đang lan rộng. Tuy nhiên, những phát hiện vềdấu tích của người Nesher Ramla khiến các nhà khoa học nghi ngờ rằng đây mới chính là tổ tiên của người Neanderthal ở châu Âu.

Tiến sĩ nhân chủng học Rachel Sarig thuộc Đại học Tel Aviv, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh phát hiện về người Nesher Ramla đã củng cố vai trò của vùng đất Israel như "một ngã tư đường giữa châu Phi, châu Âu và châu Á", nơi các quần thể loài người khác nhau giao thoa và sau đó lan rộng khắp Thế giới cũ.

Bà Sarig cho rằng "các nhóm nhỏ thuộc loài Nesher Ramla có thể đã di cư vào châu Âu và tiến hóa thành người Neanderthal, sau đó tiếp tục di cư đến châu Á và phát triển thành các quần thể có các đặc điểm tương tự". Điều này cũng giải thích việc một số gene của người Tinh khôn đã được tìm thấy trong quần thể người Neanderthal có lẽ đã sống lâu đời ở châu Âu.

Giáo sư Chris Stringer, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, ca ngợi phát hiện quan trọng của các nhà khoa học Israel, song bày tỏ nghi ngờ trước những tuyên bố về mối liên hệ giữa người Nesher Ramla với người Neanderthal. Ông cho rằng việc liên kết một số hóa thạch cổ tại Israel với người Neanderthal là "bước nhảy" quá xa vào thời điểm này.

Trước đây, các nhà di truyền học nghiên cứu ADN của người Neanderthal ở châu Âu đã gợi ý về sự tồn tại của một quần thể giống người Neanderthal, được gọi là “quần thể mất tích” hoặc “quần thể X”, có thể đã lai tạp với người Tinh khôn hơn 200.000 năm trước. Trong nghiên cứu công bố phát hiện về người Nesher Ramla, các nhà khoa học Israel cho rằng đây có thể chính là liên kết bị thiếu đó.

Mai Phương (TTXVN)
Đi theo dấu chân người tiền sử...
Đi theo dấu chân người tiền sử...

Cách đây khoảng 120.000 năm, ở vùng đất ngày nay là miền Bắc Saudi Arabia, một nhóm nhỏ gồm những người homo sapiens (hay còn gọi là người tinh khôn, hoặc người hiện đại) dừng lại để uống nước và tìm kiếm thức ăn tại một hồ nước cạn - vốn cũng là nơi thường xuyên lui tới của lạc đà, trâu và voi. Khi đó chúng to lớn hơn bất kỳ loài vật nào chúng ta có thể thấy ngày nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN