Giờ đây, các nhà khoa học đã xác định các giai đoạn tiến hóa nói trên ở hóa thạch của một loài mới được tìm thấy, sống cách đây 125 triệu năm ở nơi hiện nay là Đông Bắc Trung Quốc. Đây thực sự là mắt xích còn thiếu trong chuỗi tiến hóa.
Các phát hiện trên đã được công bố trên tạp chí Science ngày 5/12 và được các nhà chuyên môn ca ngợi là một bước ngoặt trong nghiên cứu cổ sinh học.
Ông Guillermo Rougier, một chuyên gia sinh học về tiến hóa tại Đại học Louisville, không tham gia nghiên cứu trên, đánh giá: "Đây là một loạt bằng chứng tuyệt vời", đồng thời cho biết thêm rằng các mẫu vật mà nhóm trên nghiên cứu "rất hấp dẫn".
Ông Jin Meng thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ tại New York, giải thích nghiên cứu mới dựa trên hóa thạch của 6 con vật riêng rẽ, gồm các động vật có vú nguyên thủy từ đầu kỷ Phấn trắng mà họ gọi là "Origolestes lii", sống bên cạnh những con khủng long, và có vẻ ngoài và kích cỡ như động vật gặm nhấm.
Động vật bò sát sử dụng xương hàm của mình để nhai và truyền âm thanh bên ngoài thông qua sóng rung tới não bộ, khác với hệ thống thính giác tinh tế và phức tạp hơn nhiều ở các động vật có vú, vốn sử dụng các loại xương búa, xương đe và xương bàn đạp trong lỗ tai để tiếp nhận âm thanh (ở người) hay định vị bằng tiếng vang (đối với cá heo).
Các nhà khoa học đã giả định rằng việc tách biệt hệ thống nhai và nghe như vậy đã xóa bỏ các ràng buộc về cơ học giữa hai tiến trình, cho phép các động vật có vú vừa có thể đa dạng hóa chế độ ăn uống, vừa cải thiện được khả năng nghe của mình.
Qua các hình ảnh chụp cắt lớp (CT) và các kỹ thuật hình ảnh khác, nhóm nghiên cứu do Trung Quốc đứng đầu nói trên đã có thể mô tả chi tiết các mẫu vật, trong đó có cấu trúc của các xương và sụn phụ trách chức năng thu nhận âm thanh, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa xương với xương ở các loài động vật trước đây.
Ông Jin Meng cho bết: "Giờ đây chúng ta đã có bằng chứng hóa thạch về thời điểm tiến hóa, khẳng định cho giả thuyết trên". Trong khi đó, chuyên gia Rougier cho biết các hóa thạch phát hiện được là "kho báu"cho các nhà nghiên cứu.