Robot Philae đáp xuống khoảng không gian cách bề mặt sao chổi khoảng 3km. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 28/10 trên tạp chí khoa học "Tự Nhiên" (Anh), các số liệu thăm dò của tàu vũ trụ Rosetta thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy có khả năng những phân tử oxy được tìm thấy trong các vệt sáng bao quanh sao Chổi 67P này đã tồn tại từ trước khi hoặc cũng có thể là trong quá trình hình thành sao Chổi trên. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi tỷ lệ oxy và nước trên sao Chổi này trong vòng vài tháng để xem lượng khí trên có bị tiêu tán do tác động của gió Mặt Trời hay không.
Kết quả là lượng oxy vẫn giữ nguyên, chứng tỏ oxy có từ sâu bên trong sao Chổi chứ không chỉ bám ngoài bề mặt. Các nhà khoa học cho rằng những phân tử oxy này đã tồn tại từ thời nguyên thủy, thậm chí có thể lâu đời hơn cả Hệ Mặt trời. Do đó, kết quả tìm kiếm này có thể sẽ mở ra những hướng khám phá mới về thành phần hóa học góp phần trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời từ 4,6 tỷ năm trước.
Phát hiện này được coi là một "bất ngờ lớn" và có thể làm thay đổi toàn bộ những học thuyết chủ đạo về sự hình thành Hệ Mặt Trời bởi trước đó, các nhà khoa học từng khẳng định không có vết tích của oxy trên các sao Chổi. Đồng tác giả của nghiên cứu nhà khoa học Kathrin Altwegg đến từ Đại học Bern (Thụy Sĩ), cho biết từ trước tới nay giới nghiên cứu luôn tin rằng oxy không thể tồn tại trong quãng thời gian hàng tỷ năm bởi các phân tử này rất dễ trộn lẫn với các nguyên tố khác. Việc tìm ra phân tử oxy có niên đại hàng tỷ năm như thế này nhiều khả năng sẽ làm lung lay mọi giả thiết về sự hình thành Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Hiện tàu Rosetta vẫn đang tiếp tục bám theo sao Chổi này khi nó chuyển động quanh Mặt Trời. Các nhà khoa học kỳ vọng đây sẽ là nhiệm vụ lịch sử giúp tìm hiểu nguồn gốc của sự sống bởi các sao Chổi được cho là cung cấp những thành phần tạo nên sự sống trong quá trình hình thành Trái Đất.