Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người dân cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đang thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng vừa qua, tại Thanh Hóa, Hòa Bình đã liên tục lộ ra những chuyện lùm xùm như hộ cận nghèo có nhà tiền tỉ, dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới...
“Nếu có dữ liệu đầy đủ và chính xác về các đối tượng được hưởng an sinh xã hội thì các vấn đề này sẽ được khắc phục. Tôi xin nhấn mạnh là dữ liệu phải đầy đủ và chính xác. Khi đó, không chỉ hạn chế tối đa được tiêu cực mà còn cung cấp thông tin để lãnh đạo các cấp biết chính xác được cần bao nhiêu kinh phí để hỗ trợ và có phương án chỉ đạo điều hành tốt nhất. Đồng thời, cũng có phương án kiểm tra, kiểm soát chống phát sinh tiêu cực”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.
Để hạn chế tiêu cục, một số tỉnh đã tích cực xây dựng phần mềm riêng để quản lý chi trả trợ cấp. Đây là một giải pháp rất đáng khích lệ. Giải pháp này đã góp phần minh bạch các khoản chi trả, làm hạn chế hơn sự tiêu cực nếu có, khiến những người có ý định tiêu cực phải e ngại. Tuy nhiên đây là bước đầu và có tính giải quyết sự vụ. “Chúng ta cần phải từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng an sinh xã hội và phải chuẩn bị từ trước để sẵn sàng phục vụ các sự việc phát sinh như việc chi trả tiền hỗ trợ hay đợt hỗ trợ khác. Trên phạm vi rộng hơn như toàn quốc, việc xây dựng, quản lý dữ liệu an sinh xã hội hiện tại chưa đáp ứng kỳ vọng để phục vụ các mục đích chi trả hỗ trợ. Tuy nhiên các cơ quan có liên quan cũng đang có chủ trương để triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) để đáp ứng nhu cầu trong thực tiễn”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.
Những việc lùm xùm xung quanh gian dối kê khai hộ nghèo, cận nghèo tại một số địa phương cho thấy hiện quá thiếu dữ liệu để phục vụ cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong Chính phủ điện tử (CPĐT) và giải quyết các vấn đề xã hội. Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đồng thời tập trung vào một số nội dung sau: Chú ý vào việc thu thập dữ liệu, duy trì dữ liệu khi triển khai các giải pháp CNTT, cập nhật và đảm bảo sự chính xác của dữ liệu để phục vụ nhiều mục đích khác nhau; Tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để khai thác phục vụ các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Khi dữ liệu sẵn sàng, dữ liệu có thể giải quyết nhanh chóng các vấn đề, sự việc phát sinh minh bạch, người dân có thể tham gia vào giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.
Kết quả đợt giám sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cho thấy: Công tác rà soát, xác định đối tượng lao động tự do hưởng trùng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công, nên độ chính xác không cao. Lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương còn thiếu thông tin, dữ liệu để so sánh, đối chiếu. UBND cấp xã, phường, thị trấn rất khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động có thấp hơn mức chuẩn cận nghèo để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ hay không.
Từ thực tế các vụ việc tại cơ sở cho thấy, có 2 kênh để phát hiện các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không đúng tiêu chí là Hội đồng thẩm định cấp xã, cấp huyện và phản ánh từ người dân, báo chí. Hệ thống phần mềm do một số tỉnh phát triển mới dừng ở mức phát hiện có sự trùng hợp tên tuổi và tự nó không phát hiện được người giàu/nghèo. Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch thông tin một cách rộng rãi, sẽ cho phép cộng đồng tham gia giám sát và phát hiện những vụ việc tiêu cực.