Theo đài Sputnik (Nga), đó chính là lời cảnh báo của ông Marcos Lopez de Prado, Giáo sư Trường Kỹ thuật thuộc Đại học Cornell (Mỹ) trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 6/12 tại phiên điều trần nhằm xác định tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với các thị trường vốn.
Giáo sư Marcos cho biết hàng chục nghìn vị trí công việc trên khắp thế giới đã bị cắt giảm do quá trình tự động hóa và robot sẽ sớm chiếm lấy cả những vị trí được trả lương cao nhất trong ngành tài chính.
Theo ông, những người lập mô hình danh mục đầu tư hoặc mô hình rủi ro đang đối mặt nguy cơ bị mất việc khi robot “chen chân” vào lĩnh vực này và có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn. Thậm chí, một số nhiệm vụ cấp chuyên gia cũng có thể được hoàn thành bằng công nghệ AI.
“Học máy tài chính đã tạo ra một số thách thức cho 6,14 triệu người làm việc trong ngành bảo hiểm và tài chính. Nhiều người sẽ mất việc, không nhất thiết là họ sẽ bị máy móc thay thế mà còn bởi họ không đào tạo để làm việc cùng các thuật toán”, Giáo sư Marcos nói.
Bà Rebecca Fender, trưởng nhóm Sáng kiến Tài chính Tương lai tại Viện CFA, cũng tham dự phiên điều trần hôm 6/12. Bà cho biết 43% thành viên và ứng cử viên tại viện này dự đoán công việc của họ sẽ thay đổi đáng kể trong vòng 5 – 10 năm tới, với ba vị trí sẽ biến mất là đại lý bán hàng, người giao dịch và nhà phân tích hiệu suất.
Tại cuộc điều trần, giới lập pháp Mỹ cũng chất vấn các chuyên gia trong ngành về sự phân biệt chủng tộc và giới tính đang diễn ra trong trí tuệ nhân tạo. Họ trả lời rằng cộng đồng quốc tế đã phải rất thận trọng, đặc biệt vào những ngày đầu sử dụng AI vào hệ thống tài chính. Mặc dù AI có thể mã hóa các định kiến hiện nay song cùng lúc đó, AI có thể được dùng làm công cụ để chống lại định kiến.