Theo tờ Nikkei Asia, trong bộ đồ phạm nhân, hai cựu nhân viên Samsung ngồi bất động khi công tố viên lên tiếng trước phiên tòa. “Thiệt hại tài chính sẽ đến mức nào nếu như bản vẽ này rơi vào tay Trung Quốc?”, nữ công tố đặt câu hỏi đối với các bị can trong phiên tòa xét xử tại Suwon, thủ phủ tỉnh Gyeonggi hồi tháng 11/2020.
Hai bị đơn, trong đó có một cựu chuyên gia cao cấp tại đơn vị sản xuất màn hình Samsung, bị bắt giữ vào tháng 8/2020. Họ bị cáo buộc cố tình làm rò rỉ bí quyết công nghệ của tập đoàn về công nghệ màn hình OLED cho phía Trung Quốc, vi phạm luật bảo vệ công nghệ công nghiệp.
Các công tố viên cáo buộc những người này hợp tác với một đơn vị chế tạo thiết bị của Hàn Quốc nhằm phát triển một mẫu máy chế tạo màn hình đặt trong cơ sở công nghệ Samsung để bán cho công ty Trung Quốc. Bị đơn thứ ba, một nhà quản lý tại công ty cung ứng thiết bị, cũng phải ra hầu tòa.
Samsung đạt mức vốn hóa thị trường 486,54 tỉ USD, với tổng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 lần lượt đạt 213,818 tỉ USD và 30,50 tỉ USD. Tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc dẫn đầu thị phần toàn cầu trong một loạt các lĩnh vực, từ điện thoại thông minh, TV cho tới chip. Tuy nhiên, chính thành công này đã đưa Samsung thành mục tiêu của các đối thủ Trung Quốc - các công ty đang có tham vọng phát triển nhanh trong bối cảnh căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung tăng nhiệt.
Viết tiếp câu chuyện thành công của Samsung và bảo vệ những bí quyết công nghệ của gã công nghệ không lồ này hiện là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia đối với Hàn Quốc. Thực chất, vụ điều tra bắt giữ các cựu nhân viên Samsung nêu trên được khởi nguồn từ một chiến dịch do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) tiến hành.
Chính quyền Seoul đã liệt các bí quyết liên quan đến màn hình OLED thuộc diện “công nghệ cốt lõi quốc gia” và NIS có riêng một bộ phận chuyên trách bảo đảm các công nghệ này không lọt ra ngoài lãnh thổ.
Hàn Quốc vài năm gần đây tăng hình phạt đối với tội danh tiết lộ công nghệ, nhưng hoạt động do thám tình báo doanh nghiệp không giảm. Theo báo cáo của NIS trình Quốc hội Hàn Quốc, trong 5 năm từ 2015-2019, đã xảy ra 123 vụ rò rỉ công nghệ, trong đó có 83 vụ tuồn bí quyết công nghệ sang Trung Quốc, với nhiều phi vụ liên quan đến công nghệ Hàn Quốc có thế mạnh như bán dẫn, đóng tàu, màn hình điện thoại.
Đối diện với nguy cơ lộ lọt, Samsung không chịu bó tay ngồi nhìn. Tập đoàn này áp dụng các biện pháp bảo mật ngay tại những khâu trọng yếu nhất trong quy trình nghiên cứu, sản xuất, kể cả những sản phẩm mà Samsung làm ra. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã loại bỏ chức năng ghi hình, ghi âm đối với điện thoại thông minh của các nhân viên làm việc tại các nhà máy, phòng thí nghiệm.
Tại một phòng nghiên cứu, giấy in dùng cho máy photocopy được gắn một lớp kim loại, là một phần trong hệ thống bảo mật. Mục đích là chặn nhân viên sao in thông tin nhạy cảm, mang ra khỏi phòng thí nghiệm. Bởi sẽ có báo động bằng âm thanh ngay tức thời nếu giấy tờ trên được đưa ra khỏi khuôn viên tòa nhà.
Trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các công ty áp dụng hình thức làm việc từ xa do đại dịch COVID-19, Samsung vẫn nhất quyết không cho nhân viên mang tài liệu có chứa thông tin kĩ thuật ra khỏi văn phòng.
Nhưng dù có tăng cường bảo vệ đến mức nào, Samsung vẫn gặp khó khăn trong quản trị nhân sự, khi tập đoàn này có đến 278.000 nhân viên làm việc trên khắp thế giới, nhiều người trong số này sẵn sàng nhảy việc. Mở một trang tìm kiếm việc làm tại Hàn Quốc, không khó để bắt gặp những lời mời chào kiểu như “Địa điểm làm việc: Tại Trung Quốc đại lục” hay “Tuyển lao động: Nhân viên làm việc từ các công ty liên quan đến màn hình”, cùng với đó là những lời hứa hẹn “Được đối đãi ưu tiên nếu là người có thời gian làm việc cho các công ty S và L” (tên chữ cái viết tắt đầu tiên của Samsung và LG).
Theo các kĩ sư tại Tập đoàn công nghệ BOE – nhà sản xuất màn hình điện thoại lới nhất Trung Quốc, có 120 kĩ sư, nhân viên người Hàn Quốc đang làm việc tại các nhà máy, phòng thí nghiệm của BOE. Trong số này, có 50 cựu kĩ sư của Samsung vốn thuộc nhóm đặc trách phát triển màn hình OLED cho Apple. Nhiều người trong số này rời Samsung do tình hình kinh doanh không mấy tích cực trong giai đoạn 2015-2016.
Chảy máu chất xám hiện cũng lan sang ngành bán dẫn, vốn là lĩnh vực trung tâm trong cạnh tranh, đối đầu công nghệ Mỹ-Trung. Một nhà tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc là SMIC, tập đoàn bán dẫn số một của Trung Quốc, được Bắc Kinh coi là biểu tượng về công nghệ và có lẽ vì vậy hiện nằm trong danh sách đen trừng phạt của chính quyền Mỹ. Bản danh sách xin cấp bằng sáng chế mà Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ nhận được cho thấy, 62 kĩ sư Hàn Quốc đứng tên trong các phát minh công nghệ của SMIC.
Một số nguồn ẩn danh thạo tin cho biết, sau thời điểm bùng phát đối đầu công nghệ Mỹ-Trung, các công ty săn đầu người ráo riết tiếp cận giới kĩ sư làm việc tại trung tâm nghiên cứu của Samsung chuyên về công nghệ sản xuất chip, đặt trụ sở tại thành phố Hwaseong gần thủ đô Seoul.
Mối đe dọa từ Trung Quốc đã được cố lãnh đạo Samsung Lee Kun-hee cảnh báo từ trước. Ông chính là người đóng vai trò kiến trúc sư cho sự trỗi dậy trên phạm vi toàn cầu của tập đoàn, cũng là người chỉ ra những thách thức mà Samsung phải đối diện. “Trong 10 năm tới, hầu hết các lĩnh vực, sản phẩm Samsung tạo dựng được tên tuổi, sẽ không còn nữa”, ông Lee từng phát biểu hồi tháng 3/2010.
Cảnh báo mạnh mẽ nhằm mục đích huy động sức mạnh của nhân viên trong tập đoàn này không hoàn toàn biến thành thực tế. Samsung vẫn tiếp tục là một quyền lực lớn trên thị trường, với sức mạnh công nghệ nổi bật. Đòn trừng phạt của Mỹ làm chậm lại tham vọng của Bắc Kinh về thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước, tạo cho Samsung có được không gian dễ thở hơn, nhưng thách thức căng thẳng đến từ Trung Quốc vẫn còn nguyên đó.