Các "nhà sáng chế" trẻ đang thuyết minh, giới thiệu về mô hình khoa học kỹ thuật của mình.
|
Máy phun thuốc sâu đa năng Nhằm giúp người nông dân giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, em Vũ Tuấn Thành, học sinh lớp 12G, trường Trung học phổ thông Hoa Lư A, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã có ý tưởng chế tạo mô hình "Máy phun thuốc trừ sâu đa năng".
Sau hai tháng tự mày mò, đầu năm 2016 máy phun thuốc trừ sâu đa năng của Thành ra đời. Máy phun thuốc trừ sâu đa năng có chiều cao 50 cm, nặng khoảng 3 kg với bốn chức năng chính là di chuyển, nâng cao hạ thấp, gấp duỗi cánh tay và vươn.
Nguyên tắc hoạt động của máy theo sự điều khiển từ xa của con người với các nút di chuyển trái, phải, vươn cánh tay và phun thuốc. Tùy thuộc vào địa hình thửa đất, chiều cao của loại cây trồng mà có thể điều chỉnh vòi phun của máy. Việc sử dụng bánh xích cho phép máy có thể di chuyển được trên mọi địa hình.
Thành chia sẻ, công trình đầu tay của em là máy phun nước đa năng đã đem về giải nhất cấp trường và giải nhì cấp tỉnh trong cuộc thi Sáng tạo trẻ Ninh Bình năm 2014-2015. Từ chiếc máy phun nước này, em đã cải tiến thành máy phun thuốc trừ sâu thay cho sức người làm việc trên đồng ruộng.
Cách sử dụng máy rất đơn giản, người dùng chỉ cần pha và đổ thuốc vào bình, sau đó điều khiển máy, do đó không sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe như cách phun thuốc sâu truyền thống.
Toàn bộ nguyên, vật liệu sử dụng để chế tạo máy phun thuốc trừ sâu bao gồm ống nhựa, máy bơm áp lực, mô tơ điện, bình ắc quy loại 12V, bánh xích cam xe máy, dây điện và bình sữa milo loại 750 ml… được Thành tìm mua ở các hiệu sửa xe cũ hoặc đồ chơi trẻ em bỏ đi.
Thành cho biết, "mơ ước của em là có nguồn vốn để phát triển sản phẩm thành máy phun thuốc trừ sâu có thể hoạt động trên cánh đồng mẫu lớn".
Máy phun thuốc trừ sâu đa năng đã đạt giải nhất trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ VII năm 2015 - 2016.
Máy quét rác bãi biển Thích khám phá và ước mơ trở thành kỹ sư giỏi, Nguyễn Ngọc Tùng, học sinh lớp 12 H, Trường Trung học phổ thông Kim Sơn C, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có nhiều ý tưởng sáng tạo trong cuộc sống. “Máy quét rác bãi biển” tận dụng từ những nguyên vật liệu có sẵn ra đời từ đó.
Theo tác giả, nguyên lý hoạt động và vận hành máy rất đơn giản, máy sau khi khởi động sẽ di chuyển tiến lùi, để hai chổi quét có những chiếc răng thưa quét, xúc thu rác vào hộp chứa. Bộ phận quét và xúc rác có cần điều khiển nâng lên hạ xuống cho phù hợp với nhiều địa hình. Dưới gầm máy có hệ thống lọc rác để lọc cát trả lại biển, giữ rác lại trong thùng chứa. Thùng chứa có thể tháo rời, thay thế thùng khác khi đầy.
Tùng chia sẻ, ý tưởng Máy quét rác bãi biển nhằm thay thế phần nào sức lao động của người công nhân, máy có thể hoạt động trong mọi thời tiết, đem lại môi trường trong lành cho biển, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tính thực tiễn cao, Máy quét rác bãi biển đã giành giải ba trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ VII năm 2015 - 2016.
Sách của 5 "nhà sáng chế nhí"
Những “nhà sáng chế nhí” gồm Đỗ Tri An, Trịnh Nhật Thăng, Nguyễn Hương Giang, Đinh Phương Thảo, học sinh trường Tiểu học Trần Phú, phường Bắc Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã thiết kế “Sách các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Việt Nam”.
Cuốn sách hệ thống lại những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam với những thông tin ngắn gọn, trình bày hấp dẫn, kích thích lòng ham hiểu biết, thích học hỏi, phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Mặt khác, những “nhà sáng chế nhí” mong muốn góp phần xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện trong nhà trường.
Tác giả Đỗ Tri An cho biết, cuốn sách được thiết kế gồm hai phần, phần giá cọc trụ 3 chân và phần bảng. Có 10 bảng được gắn vào phần cột trụ. Cuốn sách được thiết kế mở theo vòng xoay, giúp nhiều người đọc có thể xem từ nhiều phía.
Các thông tin trong sách có in nội dung 10 cuộc kháng chiến của dân tộc một cách ngắn gọn, đầy đủ nội dung phản ánh kèm theo các hình ảnh minh họa, bảng tranh Bác Hồ và hình ảnh hoạt động của trường Tiểu học Trần phú. Những “nhà sáng chế nhí” chia sẻ, "qua sản phẩm này, chúng em mong muốn các bạn học sinh có thể tìm hiểu và thêm yêu môn lịch sử nước nhà".
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình Đỗ Văn Dung đánh giá, những sáng kiến khoa học của học sinh Ninh Bình ngày càng sáng tạo và có tính thực tiễn cao.
Thời gian tới, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích thanh, thiếu niên tại địa phương tham gia sáng tạo khoa học, qua đó khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, hình thành ý tưởng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.